Chứng khoán 4/6: Tranh nhau thoát hàng

16:22 | 04/06/2014 Print
Tâm lý hoảng loạn đã tăng lên trong phiên giao dịch hôm nay dẫn đến các đợt bán ra mãnh liệt hơn. Điểm số giảm sâu và cổ phiếu mất giá hàng loạt và thanh khoản bắt đầu tăng.

Đồng loạt gãy trụ

Các cổ phiếu lớn vốn được xem như những trụ cột của thị trường, hôm nay đã chính thức đổ gãy đồng loạt. Không chỉ những mã vốn hóa lớn nhất, đa số các blue-chips trên hai sàn cũng giao dịch rất kém khi khối lượng bán ra vượt quá sức chịu đựng của dòng tiền mua vào.

VN-Index đóng cửa hôm nay giảm 0,95%, HNX-Index giảm 1,42%. So với phiên giảm đầu tuần, mức độ rơi hôm nay còn mạnh hơn. Biến động giảm này là kết quả trực tiếp từ tình trạng giao dịch với thanh khoản quá thấp nhưng phiên đầu tuần.

Thanh khoản thấp là biểu hiện của thị trường gặp rắc rối về quan điểm giao dịch: Người bán chưa chịu bán mạnh và người mua chưa chịu mua cao. Hai phiên đầu tuần thị trường đã sụt giảm rất mạnh về thanh khoản so với trạng thái bình thường. Rốt cục sẽ phải có một bên chấp nhận thua cuộc. Hôm nay người bán đã ngả mũ trước. Khối lượng bán ra ồ ạt tăng lên tất yếu là giá phải giảm.

Toàn thị trường hôm nay có tới trên 320 mã giảm giá, con số lớn nhất suốt 17 phiên. Kể từ khi VN-Index tạo đỉnh ngắn hạn cách đây 4 phiên, chưa ngày nào số cổ phiếu giảm giá quá 300 mã. Với số rất lớn cổ phiếu mất điểm như vậy, gần như toàn bộ nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Các blue-chips cũng không còn tác dụng nâng đỡ thị trường được nữa vì chính những mã này hôm nay cũng bị bán ra nhiều. May mắn lớn nhất là GAS còn tăng 0,51% nhờ nhà đầu tư nước ngoài còn đỡ ở trên mức tham chiếu. Ngược lại, VIC giảm 3,73%, mức giảm lớn chưa từng có trong suốt 46 phiên giao dịch. MSN giảm 0,5%, VCB giảm 1,38%, BVH giảm 4,03%, DPM giảm 1,25%, DRC giảm 1,58%, HAG giảm 2,09%, HSG giảm 2,27%, OGC giảm 3,74%, PPC giảm 1,41%, SSI giảm 2,56%...

Ở HNX, gần như toàn bộ các mã lớn đều giảm giá với các trụ cột đổ gãy hoàn toàn: SHB giảm 2,25%, PVS giảm 2,28%, VCG giảm 3,28%, VND giảm 4,23%, KLS giảm 4,59%, SCR giảm 3,66%... Duy nhất ACB đóng vai trò “giảm xóc” khi tăng 1,31%.

Các cổ phiếu tăng giá hiếm hoi trong phiên hôm nay hầu hết là các mã nhỏ với mức thanh khoản thấp. Trên HSX có thể kể tới TSC, CCI, HAX, HLA… trên HNX là VTL, PVA… Những cổ phiếu này có tính đầu cơ cao và thường rất dễ đẩy giá lên khi đã khống chế được thanh khoản. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng tác động tới thị trường cũng như tâm lý của những cổ phiếu như vậy là rất thấp.

Thanh khoản cải thiện: Rẻ sẽ hút được tiền?

Quy mô thanh khoản thị trường khớp lệnh hôm nay vẫn rất kém, chỉ đạt hơn 114 triệu cổ phiếu, tương đương 1.348,8 tỷ đồng. So với phiên thấp đột biến hôm qua thì thanh khoản vẫn là tăng, nhưng so với trung bình một tháng gần đây thì chưa có cải thiện nào.

Ngay cả với mức thanh khoản kém như vậy, nguyên nhân chính giúp phiên hôm nay có cải thiện vẫn là yếu tố giảm giá. Sáng nay thị trường giao dịch rất chậm và chán nản với khối lượng rất thấp. Chỉ đến phiên chiều, khi giá suy sụp mạnh vào đầu phiên, thanh khoản mới được cải thiện.

Như vậy nhà đầu tư mua vào đã thành công khi tìm kiếm được các cơ hội giá rẻ, thay vì phải mua cao hơn trong điều kiện thị trường bình thường. Điều này cũng dẫn đến một hệ quả, là nếu giá giảm, dòng tiền mới được kích thích mua vào tốt hơn. Ngược lại nếu giá tăng, nhà đầu tư lại hạn chế mua.

Một điều đáng chú ý là nhà đầu trong nước là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động bán tháo hôm nay. Khối ngoại có tác động ở một số cổ phiếu lớn, nhưng nhìn tổng thể, khối này không tạo nên một áp lực bán lớn.

Các cổ phiếu bị ảnh hưởng từ giao dịch bán của nhà đầu tư nước ngoài là VIC, HAG, KDC và vài mã nhỏ khác. HAG bị bán nhiều nhất với trên 12,1 tỷ đồng giá trị cổ phiếu. HAG giảm rất mạnh trong phiên chiều, có lúc là -2,51%. KDC đóng cửa giảm 1,67%. Với VIC thì 81% khối lượng giao dịch hôm nay là bị khối ngoại bán, giá giảm 3,73%.

Ngoài số ít cổ phiếu nói trên, nhà đầu tư nước ngoài phổ biến là mua vào ròng. GAS, DPM, ITA, GMD, STB… được mua vào nhiều.

Thực tế là quy mô bán ra của khối ngoại hôm nay chỉ là 56 tỷ đồng, một con số rất nhỏ so với tổng giá trị giao dịch của thị trường. Điều đó giúp khẳng định chính nhà đầu tư trong nước đã phản ứng tiêu cực và định hình xu thế giảm trong phiên.

Điều này có thể hiểu là các nhà đầu tư trong nước thường tham gia thị trường với quan điểm ngắn hạn hơn. Với chiến lược này thì các dao động trong ngắn hạn sẽ tác động nhiều đến quyết định. Khi nhận thấy thị trường có thể sẽ điều chỉnh ngắn hạn và có cơ hội mua rẻ hơn, nhà đầu tư trong nước sẽ bán ra để chờ mua lại giá thấp hơn. Trong khi đó tổng thể khối ngoại vẫn là mua với mục tiêu dài hạn.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam