IPO tạo lực đẩy phát triển từ việc thay đổi mô hình doanh nghiệp

09:26 | 23/04/2014 Print
(TBTCVN) - Theo các thông tin công bố từ HNX, từ đầu năm đến nay, số lượng DNNN đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các DN IPO thành công, vẫn còn một số đơn vị lại chỉ bán được phần nhỏ so với dự kiến.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX).

* Thưa bà, bà nhận xét thế nào về những kết quả của công tác chào bán đấu giá trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian qua? Theo bà, yếu tố nào khiến chào bán cổ phần các doanh nghiệp vẫn còn chưa hấp dẫn nhà đầu tư?

Mục tiêu quan trọng là sau khi IPO, DN sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, thay đổi cơ cấu sở hữu, đổi mới chỉ đạo điều hành, quản trị công ty, có thêm nhiều cơ hội trong chiến lược kinh doanh, thực hiện công khai minh bạch thông tin để qua đó tạo động lực mới cho phát triển.

Nguyen Thi Hoang Lan

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan

- Sau khi thông điệp đầu năm về đẩy mạnh cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ được phát đi, HNX đã tiếp nhận rất nhiều đăng ký đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của DNNN cổ phần hóa.

Tính từ đầu năm đến nay, HNX đã tổ chức 18 phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (cao gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước), cao điểm có những ngày tổ chức 2 phiên. Trong đó, khoảng 41% DN đã bán hết 100% số cổ phần. Bên cạnh đó, vẫn còn có các phiên bán được ở tỷ lệ thấp, khoảng 15% tổng số cổ phần chào bán.

Kết quả này là do cung cầu trên thị trường quyết định. Theo quan sát của chúng tôi, các DN được nhà đầu tư chú ý, quan tâm và mua nhiều hơn thường là các DN hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực có tiềm năng, hoặc có nhiều lợi thế đất đai, kinh doanh, dự án; tình hình sản xuất kinh doanh nói chung ổn định.

Tuy nhiên, cả một đợt IPO dồn dập như vậy nhưng không có cuộc đấu giá nào bị hủy do không đủ điều kiện đấu giá. Mức độ quan tâm và khả năng đầu tư vào các DN có khác nhau, do DN chưa hấp dẫn hoặc TTCK có quy mô còn hạn chế…

Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, việc DN đưa ra IPO bán được có hết không hay giá bán có được cao không chưa phải là mục tiêu cốt yếu của chủ trương thúc đẩy cổ phần hóa DNNN của Chính phủ. Nếu không bán hết, DN có thể bán tiếp theo hình thức thỏa thuận, bán cho NĐT chiến lược, người lao động hoặc điều chỉnh lại vốn điều lệ,...

Mục tiêu quan trọng là sau khi IPO, DN sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, thay đổi cơ cấu sở hữu, đổi mới chỉ đạo điều hành, quản trị công ty, có thêm nhiều cơ hội trong chiến lược kinh doanh, thực hiện công khai minh bạch thông tin để qua đó tạo động lực mới cho phát triển. Mặt khác, DN chuyển đổi, hoạt động hiệu quả lại là nhân tố quan trọng để cung cấp hàng hóa chất lượng cho TTCK, giúp thị trường phát triển bền vững, tạo sự tin cậy của công chúng đầu tư.

IPO

Phiên đấu giá cổ phần của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên được tổ chức trên HNX. Ảnh: PV

* HNX có vai trò thế nào trong các cuộc IPO của DN, thưa bà?

- Với vai trò là đơn vị tổ chức các cuộc đấu giá, chúng tôi cung cấp một quy trình tác nghiệp đấu giá chuyên nghiệp, minh bạch, kết nối đồng bộ với các CTCK đại lý để phục vụ nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lần đầu tiên tham gia đấu giá. Đồng thời, hỗ trợ DN cung cấp thông tin ra thị trường cũng như trong tất cả các khâu của quá trình đấu giá. Để chuẩn bị cho “làn sóng” IPO, HNX đã chuẩn bị cả về cơ sở vật chất và con người.

Theo đó, hệ thống đấu giá đã được nâng cấp 2 lần, có tốc độ xử lý lệnh của 20.000 – 30.000 lệnh/ngày, tính bảo mật tuyệt đối; các báo cáo tổng hợp, thống kê về kết quả đấu giá, kết quả thanh toán được chiết xuất cho đến từng nhà đầu tư và theo mục tiêu báo cáo của DN; hệ thống mở kết nối với các CTCK đại lý với các công cụ giám sát, kiểm tra việc đăng ký, thông tin của nhà đầu tư tham gia đấu giá… Hệ thống đấu giá xử lý 3-4 phiên đấu giá/ngày nên đảm bảo tiến độ khẩn trương nếu các DN yêu cầu.

Cùng với đó, HNX đã khẩn trương tổ chức buổi đào tạo tập huấn nghiệp vụ đấu giá cho các CTCK đại lý với mục đích nâng cao chất lượng tác nghiệp đấu giá từ các khâu hướng dẫn nhà đầu tư đăng ký làm thủ tục tại CTCK đến việc công bố thông tin, xử lý trực tiếp đấu giá tại Sở,…

Bên cạnh đó, do các cuộc đấu giá liên tục, không bố trí được các buổi giới thiệu về DN đấu giá, nên Sở thúc đẩy công tác truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

* Trong thời gian tới, HNX có những giải pháp nào hỗ trợ các DN trong việc đấu giá cổ phần, thưa bà?

- Vừa qua, SCIC và HNX đã ký Thỏa thuận hợp tác, trong đó HNX sẽ phối hợp với SCIC để xây dựng kế hoạch, lộ trình và phương thức bán cổ phần của SCIC trên cơ sở chương trình tái cơ cấu, sắp xếp DN của SCIC nhằm thúc đẩy chương trình tái cơ cấu sắp xếp DN thông qua đấu giá, giao dịch mua bán cổ phần trên TTCK, thúc đẩy DN có vốn đầu tư của SCIC thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch,…

Một điểm quan trọng nữa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sau đấu giá, vừa qua Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đã giao HNX cải tiến lại thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng. Theo đó, HNX cũng đang xây dựng đề án gắn IPO với thị trường giao dịch DN đại chúng chưa niêm yết, nhằm rút gọn thời gian và đơn giản thủ tục lên sàn.

Trong tương lai, các DN sau khi thực hiện IPO xong thì lập tức có thể cho những cổ phần chuyển đổi thành cổ phiếu và giao dịch trên TTCK tập trung, còn việc DN có thực hiện niêm yết hay chưa là tùy vào điều kiện, cũng như chiến lược của họ.

Tôi cho rằng, đây không chỉ là mong muốn của thị trường mà còn là biện pháp hữu ích để tăng cường sức khỏe cho TTCK. Công chúng đầu tư khi quan tâm tới các cuộc IPO sẽ yên tâm vì cổ phần mình mua sẽ được giao dịch sớm.

* Xin cảm ơn bà!

Duy Thái (thực hiện)

Duy Thái (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam