Lướt sóng cùng quỹ ngoại

17:05 | 16/09/2013 Print
Nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư mạo hiểm và nhanh tay trong phiên giao dịch hôm nay khi cách thức giao dịch của khối ngoại quá dễ đoán

chungkhoan16.9

Rất nhiều nhà đầu tư trong nước đã nhảy vào mua DRC và SHB trong phiên hôm nay.

Lên voi…

Tác động tuần trước của quỹ FTSE ảnh hưởng ít hơn tới thị trường do các cổ phiếu chỉ được đưa vào rổ tính chỉ số và quy mô đầu tư không lớn. Lần này quỹ Market Vectors (VNM) đảo danh mục và buộc phải cơ cấu lại danh mục đầu tư theo chỉ số. Quỹ VNM có tới 17 cổ phiếu của Việt Nam và ảnh hưởng của giao dịch lớn hơn nhiều. Mặt khác quỹ này giao dịch theo lối rất hung hăng (aggressive), đã mua là mua bán bằng được.

Theo thông tin cuối tuần qua, quỹ VNM sẽ đưa vào hai cổ phiếu mới là SHB và DRC, thay thế cho SJS, PVF bị loại ra. 7 cổ phiếu khác bị thay đổi tỉ trọng đầu tư theo hướng giảm và 7 mã tăng lên. VCB được giữ nguyên tỉ trọng.

Do thông báo trên được phát đi vào cuối tuần ở Việt Nam, lúc thị trường đã đóng cửa nên nhà đầu tư chờ đợi một phiên sóng lớn trong hôm nay.

Không phụ công chờ đợi, nhà đầu tư đã được chứng kiến những màn giao dịch đã mắt ở hai cổ phiếu mới được đưa vào rổ là SHB và DRC. Khả năng mua vào mạnh mẽ từ nhà đầu tư nước ngoài là dễ đoán, vấn đề còn lại là những nhà đầu tư trong nước muốn lướt sóng “ké” các giao dịch của khối ngoại sẽ phải tranh nhau khốc liệt.

DRC sáng nay có lối giao dịch “khủng bố” người bán. Hàng trăm ngàn cổ phiếu được nạp vào hệ thống từ rất sớm, tranh mua bằng mọi giá. Cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đều phải đua lệnh. Ngay trong đợt mở cửa, DRC đã giao dịch gần 463.000 cổ phiếu và nhà đầu tư trong nước giành được 52%, phần còn lại là nước ngoài.

Trong buổi sáng, DRC còn có một chút thanh khoản, khối lượng tăng tuy chậm nhưng vẫn giao dịch được trên 400.000 đơn vị nữa. Sang buổi chiều, hầu như nhà đầu tư không mua nổi DRC nữa vì khối lượng chặn mua giá trần quá cao. Đợt đóng cửa có tới trên 572.000 DRC được đặt mua ATC, trong khi lượng bán ra có trên 42.000 cổ phiếu.

Tại SHB, nhà đầu tư muốn mua không phải đua lệnh, nhưng sẽ phải chấp nhận giá rất cao. Ngay từ lúc mở cửa, SHB đã tăng trên 6% so với tham chiếu. Đạt mức 6.900 đồng, SHB đóng cửa ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2013. Hàng chục triệu cổ phiếu giao dịch dưới giá 6.500 đồng suốt từ đầu tháng 8 đến nay bất ngờ có lãi khá. Đây là nguyên nhân khiến khối lượng bán ra ở mức từ 7.000 đồng trở lên với SHB rất cao.

Khối ngoại mua gần 5,65 triệu SHB trong tổng số 22,56 triệu cổ phiếu giao dịch phiên này. Tại DRC, khối ngoại mua tổng cộng 415.310 cổ phiếu trong tổng số giao dịch 880.650 cổ phiếu. Về mặt con số, có thể thấy khá đông nhà đầu tư trong nước đã nhảy vào đua giá với nhà đầu tư nước ngoài. Giao dịch thậm chí là rất hiệu quả ở DRC, khi khối lượng chặn mua trần lúc nào cũng vài trăm ngàn đơn vị.

HSX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

623,2 tỷ đồng (+50%)

36,9 triệu đơn vị (+32%)

HNX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

246,8 tỷ đồng (+230%)

36,5 triệu đơn vị (+244%)

… xuống “đất”

Danh sách phải mua thêm của quỹ VNM do tăng tỉ trọng đầu tư là khá dài. Tuy nhiên không phải cổ phiếu nào cũng được hưởng lợi. Về mặt lý thuyết, quỹ sẽ phải mua thêm vào PVX, PVD, BVH, HPG, ITA, PVS, GMD, HAG, VIC, VCB, STB. Nhưng chỉ số ít cổ phiếu trong nhóm này được mua thực sự mạnh. Có lẽ quỹ cũng không muốn tác động quá lớn đến giá để phải chấp nhận một mức giá cao.

Trong số “phải mua” nói trên, giao dịch hôm nay chưa phản ánh hết ý đồ của quỹ. Ngoài ra có thể các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khác khiến số liệu không rõ ràng. PVD bị bán ra khá mạnh dù đáng lẽ phải mua vào, giá giảm 1,71%. BVH bị bán ròng mạnh, giá giảm 2,77%. ITA được mua ròng rất ít, giá đứng tham chiếu. PVS cũng tương tự. GMD tuy chưa được khối ngoại mua nhưng nhà đầu tư trong nước đã đẩy giá tăng 2,13%. VIC bị bán ròng, giá giảm 0,79%. STB nước ngoài chưa mua nhưng giá đã tăng 2,35%.

Một số cổ phiếu được mua vào tương đối khá hôm nay là HPG và HAG. Tuy nhiên nếu so sánh thuần với các mã mà chỉ có nhà đầu cơ trong nước mua trước như GMD thì mức tăng của hai mã này cũng yếu hơn nhiều. HAG chỉ tăng 1% và HPG tăng 0,92%.

Phía bán ra nhiều hôm nay gây áp lực cực lớn lên giá. Bất ngờ lớn nhất là SJS. Do chỉ được giao dịch 15 phút cuối nên có nhiều dự đoán SJS sẽ mất thanh khoản giống VCG, PVF trong phiên. Nhưng ngược lại, nhà đầu tư trong nước đã mua vào SJS rất mạnh, giúp gần 880.000 cổ phiếu của khối ngoại thoát ra dễ dàng, giá chỉ giảm 4,17%, dưới tham chiếu hai bước giá.

Ba cổ phiếu còn lại được xác định sẽ bị bán mạnh là PVF, VCG, PPC thì không có gì đặc biệt. Áp lực xả hàng quá mạnh khiến các mã này giảm hết cỡ. VCG, PVF thậm chí còn mất thanh khoản. Riêng với PVF, bên cạnh nhu cầu cơ cấu danh mục, cổ phiếu này còn gánh nặng giải chấp nên mất thanh khoản ngay từ đầu. VCG còn cầm cự được đến khoảng 10h sáng. PPC khá nhất, tuy bị xả giá sàn ồ ạt suốt thời gian dài nhưng vẫn còn khối ngoại mua vào (phía bên kia khối ngoại cũng bán ra ồ ạt). PPC vẫn còn thanh khoản dù giá giảm 6,34% và có lúc giảm sàn.

Ảnh hưởng của các giao dịch từ quỹ VNM chỉ tác động được đến các cổ phiếu cụ thể. Toàn thị trường vẫn trong trạng thái giao dịch yếu như những phiên trước. VN-Index đóng cửa vẫn giảm 0,18% và HNX-Index giảm 0,25%. Giá trị khớp lệnh tính chung hai sàn tăng 77% so với cuối tuần trước do các mã được quỹ VNM giao dịch mạnh.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

PPC (77,3) – (12,4%)

SHB (156,7) – (63,5%)

DRC (36) – (5,8%)

FIT (8,6) – (3,5%)

BVH (35,4) – (5,7%)

KLS (8,3) – (3,4%)

CSM (33,4) – (5,4%)

PVX (7,3) – (3%)

DPM (29,5) – (4,7%)

SHS (6,4) – (2,6%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam