VIC soán ngôi VNM, vốn ngoại tiếp tục tạo dấu ấn

19:04 | 06/09/2013 Print
Thị trường hôm nay có phần may mắn vào buổi chiều nhờ dòng vốn ngoại mua vào tích cực hơn trong rổ blue-chips. Sáng nay hầu như chỉ có VNM được mua nhiều và HNX không có giao dịch đã sụt giảm trở lại.

Nhà đầu tư nước ngoài có vai trò lớn trong phiên tăng hôm nay khi mua mạnh các cổ phiếu vốn hóa cao.

Hiệu ứng đảo danh mục rõ ràng hơn

Trong cả phiên sáng, thị trường tỏ ra khá trì trệ, bất chấp một vài giao dịch nổi bật xuất hiện. Sau phiên mua vào lớn đột ngột hôm qua của khối ngoại, các phân tích của công ty chứng khoán bắt đầu đề cập nhiều hơn tới những biến động đảo danh mục định kỳ tháng 9. Nhà đầu tư trong nước cũng bắt đầu tăng cường quan sát giao dịch của khối ngoại và dự đoán hoạt động này.

Với suy luận này, thị trường đã có chút bất ngờ trong buổi sáng khi nhà đầu tư nước ngoài lại tiết chế hoạt động mua vào. Điều này khác hẳn hôm qua, khi lượng mua chủ yếu được thực hiện trong buổi sáng. Duy nhất VNM xuất hiện khối lượng mua lớn quen thuộc.

Giao dịch mua vào ở VNM có lẽ không liên quan nhiều đến việc cơ cấu danh mục của quỹ ETF. Room cho VNM đã hở ra từ hoạt động bán ròng cuối tháng 8 và việc mua vào có thể xuất phát từ các tổ chức nước ngoài khác. VNM là hiện tượng đặc biệt trên thị trường, vô tình diễn ra trùng với thời điểm đảo danh mục của quỹ ETF mà thôi.

Sáng nay VNM được mua vào rất mạnh và dồn dập. Động tác này đã khiến VNM biến động giá khá mạnh. Ngay lúc mở cửa, gần như toàn bộ khối lượng giao dịch đã thuộc về khối ngoại, đẩy giá tăng 2,16%. Lực mua lớn tập trung trong vài phút sau đó tiếp tục giữ giá VNM rất tốt. Tuy nhiên ngay sau khi khối ngoại dừng mua, giá lập tức rớt xuống. Nhà đầu tư trong nước tỏ ra không mấy mặn mà trong việc mua VNM giá cao như vậy. Trong suốt cả thời gian còn lại của phiên giao dịch, VNM tỏ ra yếu ớt, thậm chí còn giảm giá.

Cổ phiếu xứng đáng thay thế VNM sau khi VNM sụt giảm là VIC. VIC nổi lên như một hiện tượng, khi giá tăng rất tốt. Sáng nay có lúc VIC giảm nhẹ dưới tham chiếu, nhưng càng về sau càng mạnh. VIC cũng có dấu ấn lớn từ khối ngoại. Khoảng 200.000 VIC đã được khối này mua trong buổi chiều, giúp cổ phiếu này giữ giá rất tốt. Mức tăng 2,42% so với tham chiếu được giữ ổn định đến hết phiên. Trong khi VNM và GAS tỏ ra đuối thì VIC bật lên là một thay thế phù hợp.

Hiệu ứng mua vào từ nhà đầu tư nước ngoài cũng tác động lên giá nhiều cổ phiếu lớn. Cũng giống như các lần đảo danh mục trước, cầu ngoại hầu như chỉ tập trung trong rổ VN30. Các mã được mua hàng đầu là DPM (tăng giá 0,99%), DRC (+0,52%), HAG (+2,5%), HPG (+3,29%), MSN (+0,61%), PET (+2,01%), PPC (+2,03%).

Khoảng 127,7 tỷ đồng đã được khối ngoại sử dụng để mua vào trên HSX. Đây là lượng tiền lớn nhất trong 11 tuần giao dịch. Hiện tượng tăng mua mạnh của nhà đầu tư nước ngoài cũng trùng hợp về mặt thời gian. Kỳ đảo danh mục tháng 6 thì những phiên cuối tháng 5, quy mô mua vào đã tăng rất mạnh.

HSX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

670 tỷ đồng (+29%)

33,5 triệu đơn vị (-11%)

HNX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

102,9 tỷ đồng (-14%)

14,4 triệu đơn vị (-11%)

Kéo dài được bao lâu?

Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua đúng vào thời điểm thị trường suy yếu nhất, VN-Index rơi xuống đáy thấp nhất trong vòng 2 tháng. Tâm lý nhà đầu tư trong nước tỏ ra suy sụp nghiêm trọng, dòng tiền bị thu hẹp.

Khối ngoại là sự bổ sung quý báu. Mặt khác việc tập trung giao dịch ở những cổ phiếu lớn, dù muốn hay không cũng tạo nên hiệu ứng tăng giá, từ đó làm tăng VN-Index và thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Nhà đầu tư trong nước chắc chắn đã nắm được quy luật giao dịch này và hưởng lợi từ đó. Danh mục nắm giữ của các quỹ ETF được công khai, tiêu chí được niêm yết rõ ràng. Việc còn lại chỉ là dự đoán mã nào sẽ bị loại ra khỏi danh mục, mã nào được đưa vào. Điều khó hơn là dự đoán cổ phiếu nào sẽ được tăng tỉ trọng đầu tư, cổ phiếu nào bị giảm xuống.

Nói chung các hiệu ứng dạng này chỉ mang tính ngắn hạn. Các mối lo ngại cũ về vĩ mô vẫn còn nguyên, chỉ là bị nhạt đi trước một trào lưu mới. Sau khi việc đảo danh mục kết thúc, giao dịch sẽ trở lại bình thường và thị trường sẽ lại phải trông đợi vào nền tảng của mình, hơn là hiệu ứng sức cầu bất chợt.

Một biểu hiện rất rõ ràng và đáng ngại trong phiên hôm nay, là sàn HNX gần như bị bỏ rơi. Dòng tiền đầu cơ chú ý hoàn toàn vào HSX, mà cũng tập trung vào rổ HSX30. Mức vốn giao dịch tại rổ này hôm nay chiếm trên 72% toàn bộ sàn HSX, một mức độ tập trung rất cao. VN-Index được các cổ phiếu lớn đẩy lên, tăng 0,52%, trong khi HNX-Index vẫn giảm 0,28%. Thanh khoản trên HNX cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 phiên.

Hiện tượng ngược chiều nhau phản ánh rõ ràng một xu thế đầu cơ thời vụ: Dòng tiền tìm cách kiếm lời nhanh hơn ở chỗ dễ dàng hơn. Đó không phải là nền tảng cho các biến động tăng bền vững.

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

VIC (116,7) – (17,4%)

SCR (20,9) – (20,3%)

VNM (87,6) – (13,1%)

SHB (19,5) – (19%)

BVH (30,5) – (4,5%)

FIT (12,4) – (12%)

HAG (28,2) – (4,2%)

PGS (7,1) – (6,9%)

GAS (25,9) – (3,9%)

PVS (4,9) – (4,7%)

Khánh Nhi

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam