Bài 3: Cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ

00:11 | 12/07/2021 Print
(TBTCVN) - Trong cuộc đấu tranh chống gian lận về thuế, đặc biệt là trục lợi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, việc nhận diện được các thủ đoạn gian lận là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.

Nhiều thủ tục hành chính thuế đã được tinh giản

Nhiều thủ tục hành chính thuế đã được tinh giản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

>> Gian nan cuộc chiến chống trục lợi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng

>> Bài 2: Trục lợi hoàn thuế giá trị gia tăng: Tổn thất ngân sách, hệ lụy môi trường kinh doanh

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, việc ngăn chặn các hành vi phạm pháp luật thuế tạo sự công bằng và giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài được cho là một “cuộc chiến dai dẳng”, cần phải quyết liệt hơn nữa.

Cần giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Tình hình tội phạm gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở nước ta diễn ra khá phức tạp, diễn biến khó lường; phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Luật số 106/2016/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 đã bãi bỏ trường hợp hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh có lũy kế số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết từ 4 quý (khai thuế theo quý) hoặc 12 tháng (khai thuế theo tháng) nhằm ngăn chặn bớt một số trường hợp gian lận hoàn thuế GTGT. Tuy vậy, việc hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và hoàn thuế cho dự án đầu tư vẫn là “trận địa” mà cơ quan nhà nước phải vất vả đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực thuế.

Trong thời gian qua, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều giải pháp và đã ngăn chặn thành công rất nhiều trường hợp gian lận hoàn thuế, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế. Các cơ quan điều tra cũng phát hiện và xử lý nhiều vụ án gian lận hoàn thuế GTGT. Tuy vậy, cuộc chiến chống lại các hành vi gian lận thuế nói chung và gian lận hoàn thuế GTGT là một cuộc chiến dai dẳng và phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý thuế phải dành nhiều thời gian, công sức để tiến hành nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. Để nâng cao hiệu quả trong phòng, chống các hành vi gian lận, trốn thuế không chỉ riêng nỗ lực của cơ quan thuế là đủ mà cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là các giải pháp tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về thuế và quản lý thuế. Chúng ta cần xem xét cẩn trọng khi tiếp tục thực hiện cải cách hành chính thuế sao cho vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), vừa chống gian lận thuế có hiệu quả.

Đồng thời, cơ quan thuế nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế (NNT). Cần hoàn thiện các tiêu chí đánh giá rủi ro để nâng cao hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế; nâng cao năng lực phân tích đánh giá của đội ngũ cán bộ công chức thuế nhằm nhanh chóng phát hiện các hành vi gian lận thuế.

Bên cạnh đó, về các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với cơ quan kiểm toán nhà nước và công an nhằm điều tra các đối tượng có nguy cơ. Cơ quan kiểm toán nhà nước cần tăng cường kiểm toán tuân thủ về thuế, để trên cơ sở đó hỗ trợ cơ quan thuế trong phòng, chống gian lận thuế; phối hợp với ngân hàng, kho bạc tra soát các giao dịch bất thường, có dấu hiệu vi phạm để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra các DN.

Hệ thống hóa thông tin của DN

Phạm vi quản lý DN quá rộng, vì vậy, điều vô cùng quan trọng đối với các cơ quan thuế là tăng cường nắm bắt thông tin về người nộp thuế. Thông tin luôn là một trong những yếu tố đầu vào không thể thiếu và là yếu tố cơ bản của mọi quyết định quản lý. Muốn có được thông tin tốt về DN phục vụ cho hoạt động quản lý thuế nói chung và chống gian lận hoàn thuế GTGT nói riêng, cơ quan thuế cần thiết lập hồ sơ thông tin về NNT và thường xuyên cập nhật, hệ thống hóa những thông tin này.

Cơ quan thuế tiếp tục đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. Hiện nay, toàn bộ hệ thống thuế đã được kết nối và một số DN đã thực hiện kết nối thông tin với cơ quan thuế và hải quan. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thuế cần tăng cường mở rộng việc kết nối đến các đối tượng khác, tiến tới việc tạo cơ sở dữ liệu thuế cho toàn dân. Đặc biệt, cần triển khai sớm và có hiệu quả lộ trình mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP để tăng cường minh bạch hóa thông tin giao dịch kinh doanh của DN, góp phần giảm bớt tình trạng mua bán hóa đơn.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến kiến thức về thuế đến toàn dân hiệu quả hơn, từ đó tác động đến ý thức của NNT. Hiện nay, các kênh tuyên truyền chủ yếu thông qua các phương tiện trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng người thực sự truy cập vào các nội dung liên quan đến chính sách thuế chiếm một tỷ trọng chưa cao trong số người dùng internet. Các phương tiện thông tin đại chúng khác như truyền hình, radio hay báo in cũng chỉ cung cấp giới hạn các thông tin liên quan đến chính sách thuế. Vì vậy, ngành Thuế cần nghiên cứu và tăng cường triển khai nhiều hình thức phổ biến thông tin về các chính sách thuế tới mọi đối tượng người dân như nhắn tin qua điện thoại; mời đại diện người dân tham gia các buổi thảo luận, đối thoại trực tiếp về chính sách thuế…

* PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:

Chống trục lợi tiền hoàn thuế phải làm từ “gốc”

Để xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách gian lận tiền hoàn thuế là do còn nhiều kẽ hở. Việc quản lý các DN có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng chưa được làm tốt. Để ngăn chặn được tình trạng này thì phải làm từ gốc.

Cụ thể, các DN thành lập phải có các cơ sở rõ ràng, không mập mờ. Việc kiểm tra giám sát phải thực tế, thường xuyên. Khi thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế GTGT cần thực hiện đối chiếu hồ sơ thực tế, bản chất các giao dịch và so sánh với các quy định của pháp luật về thuế để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm (nếu có) để xử lý theo quy định.

Đặc biệt, cần phải có việc kiểm tra giám sát chuyên ngành đối với việc thực hiện hoàn thuế. Trong trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì thực hiện thu thập, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) đến cơ quan công an theo quy định và kiến nghị khởi tố. Đồng thời, công khai thông tin về các công ty vi phạm pháp luật về thuế, các công ty có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp đến người nộp thuế để kịp thời ngăn chặn.

* Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam:

Tăng cường hậu kiểm doanh nghiệp sau khi thành lập

Để hạn chế và ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong lĩnh vực thuế, cần sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cũng như vấn đề hậu kiểm đối với DN sau khi thành lập, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe…

Thời gian qua, để thành lập DN chỉ cần đăng ký; còn nội dung đăng ký như nơi ở, chứng minh nhân dân thật hay giả, địa chỉ nơi đặt văn phòng có thực hay không đều chưa được kiểm tra trước và sau đăng ký, việc thực sự bỏ vốn để hoạt động kinh doanh không phải là điều kiện bắt buộc để đăng ký kinh doanh. Do đó, cần có cơ chế quản lý sau khi cấp phép có hiệu quả nhằm giám sát quản lý DN thực hiện tốt các quy định của luật pháp.

Cơ quan thuế cần tăng cường công tác hậu kiểm, chú ý hóa đơn chứng từ đầu ra, đầu vào nếu có nghi vấn tiến hành kiểm tra xác định hành vi của các đối tượng, xem xét trụ sở, địa điểm kinh doanh sản xuất của DN; đồng thời, nghiên cứu tăng khung hình phạt cho phù hợp đối với các loại tội phạm về thuế. Các ngành, địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của DN sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

PGS.TS Lê Xuân Trường (Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính)

PGS.TS Lê Xuân Trường (Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính)

© Thời báo Tài chính Việt Nam