Thoả thuận về giá tính thuế tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp

13:36 | 02/07/2021 Print
Trao đổi với luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật An Ninh (AnNinhLaw), xung quanh Thông tư 45/2021/TT-BTC, ông cho rằng, đây là xu hướng chung của cơ quan thuế các nước, tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan thuế.

giao dịch liên kết

Thỏa thuận APA là xu hướng chung của các cơ quan thuế các nước, tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

>> Khi nào áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về giá tính thuế?

>> Tổng cục Thuế là cơ quan đàm phán về cơ chế thỏa thuận giá tính thuế

>> Người nộp thuế có quyền lợi gì khi thoả thuận giá tính thuế?

PV: Như ông đã biết, Thông tư 45/2021/TT-BTC hướng dẫn về áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết vừa được Bộ Tài chính ban hành đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Thông tư được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp khi xác định nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

LS. Đặng Thành Chung: Việc áp dụng APA nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế phù hợp với nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập và ngăn ngừa việc đánh thuế trùng và trốn lậu thuế, giảm thiểu tranh chấp về xác định giá của giao dịch liên kết.

Đây cũng là xu hướng chung của các cơ quan thuế các nước và tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp. Do đó, tôi cho rằng, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45 là tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp khi xác định nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Thoả thuận về giá tính thuế tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp
Tôi cho rằng việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45 là tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp khi xác định nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Luật sư Đặng Thành Chung

PV: Như ông vừa nói thì việc áp dụng APA phù hợp với nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế. Đồng thời, việc áp dụng APA nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Theo ông có nên khuyến khích các doanh nghiệp có giao dịch liên kết áp dụng thỏa thuận về giá tính thuế?

LS. Đặng Thành Chung: Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế là thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về việc áp dụng chính sách thuế trong tương lại. Hiện nay, theo pháp luật, APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, song cần khuyến khích các doanh nghiệp có giao dịch liên kết áp dụng APA.

Bởi lẽ, việc thực hiện cơ chế APA là cần thiết vì đây là xu thế chung mà các cơ quan thuế các nước đều đang áp dụng hiệu quả để quản lý nguồn thu từ các giao dịch xuyên biên giới, đồng thời xét về nguyên tắc, cơ chế này sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế và là cầu nối để Việt Nam hòa nhập với xu thế chung về thuế quốc tế trên thế giới, thực hiện dễ dàng và chủ động các giao dịch liên kết.

Mặt khác, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, xác lập dựa trên các thông tin dự kiến, kế hoạch của người nộp thuế, do đó có thể giảm thiểu được chi phí thuế cho doanh nghiệp mà vẫn trong ngưỡng hợp lý để cơ quan thuế chấp nhận.

PV: Theo Thông tư 45, Tổng cục Thuế là cơ quan tiến hành thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế. Theo ông, cần có cơ chế như thế nào để đảm bảo việc thẩm định này là khách quan, minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực trong quá trình thẩm định hồ sơ?

LS. Đặng Thành Chung: Để đảm bảo việc thẩm định khách quan, minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực trong quá trình thẩm định hồ sơ, trước hết cần phải xây dựng được cơ chế thẩm định khách quan, minh bạch. Về cơ chế thực hiện, cần phân công thẩm quyền thẩm định rõ ràng, những trường hợp không được, hoặc phải từ chối thẩm định nếu có lợi ích liên quan, hoặc không đủ điều kiện năng lực để thẩm định.

Mặt khác, để cơ chế minh bạch, mặc dù Tổng cục Thuế là cơ quan tiến hành thẩm định, cần hiểu là cơ quan quyết định thẩm định, nhưng phải dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cơ quan, cá nhân khác có liên quan, đặc biệt là ý kiến giải trình các vấn đề của người nộp thuế.

Đồng thời, cần thiết phải tiến hành tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp để thẩm định hồ sơ với sự tham gia của cơ quan thuế, người nộp thuế, đối tác của người nộp thuế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan. Các bên cùng họp, cùng tham vấn và thống nhất các nội dung để có thể kết luận thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA một cách khách quan và minh bạch.

PV: Bảo mật thông tin của người nộp thuế cũng là một vấn đề đặt ra, khi Thông tư 45 được áp dụng trong thực tế. Theo luật sư thì cơ quan thuế cần phải làm gì để bảo mật thông tin trong hồ sơ đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế?

LS. Đặng Thành Chung: Vấn đề bảo mật thông tin của người nộp thuế đã được Nhà nước quan tâm và quy định tại các luật gốc là Luật Quản lý thuế và được tiếp tục nhấn mạnh, quy định tại các văn bản hướng dẫn, trong đó có Thông tư 45. Hiện nay, pháp luật quy định việc bảo mật thông tin người nộp thuế nói chung và bảo mật hồ sơ đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế nói riêng là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, cán bộ công chức thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan.

Để bảo mật thông tin này, trước hết cơ quan thuế cần cụ thể hóa hồ sơ đề nghị áp dụng APA như thế nào để vừa phù hợp với việc giải quyết chấp thuận của cơ quan thuế, vừa đảm bảo hạn chế tối đa trong hồ sơ người nộp thuế phải cung cấp các thông tin cần bảo mật của mình; đồng thời hạn chế tối đa sự tham gia của các thành phần khác không cần thiết.

Mặt khác, cơ quan thuế cần xây dựng quy trình, hệ thống dữ liệu và hệ thống bảo mật thông tin chuẩn chỉnh ngay từ đầu, xác định rõ đối tượng được quyền yêu cầu, tiếp nhận, xử lý, lưu giữ, bảo mật thông tin và được phép tham gia giải quyết hồ sơ, thông tin nào trong hồ sơ là thông tin cần được bảo mật. Từ đó, cơ quan thuế xây dựng quy trình và hệ thống khép kín liên quan đến hồ sơ đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Nhật Minh (thực hiện)

Nhật Minh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam