Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Chính sách nhân văn và có tính bao quát lớn

10:03 | 12/05/2021 Print
(TBTCVN) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát thì chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP có tác dụng rất lớn, bớt đi phần nào khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc đối tượng

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế. Ảnh: Nhật Minh

Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty luật TNHH Labor Law cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP.

PV: Như bà đã biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP (Nghị định 52) tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay, việc Chính phủ ban hành nghị định này là rất cần thiết. Là luật sư chuyên tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, bà thấy cộng đồng doanh nghiệp đón nhận chính sách này như thế nào?

- Ls. Lê Thị Hồng Vân: Là người đồng hành, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, tôi có thể khẳng định, Nghị định 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất là chính sách rất phù hợp và kịp thời của Chính phủ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới nói chung và Việt Nam cũng không ngoại lệ, dẫn đến ảnh hưởng lớn về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế thì chính sách này có tác dụng rất lớn nhằm hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bớt đi phần nào khó khăn.

Ls. Lê Thị Hồng Vân

Ls. Lê Thị Hồng Vân

Thay vì việc phải xoay sở mọi cách để có nguồn tài chính nộp thuế đúng hạn như mọi năm, các doanh nghiệp đã bớt căng thẳng hơn nhờ được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tập trung hơn nữa vào việc đưa ra định hướng phát triển để duy trì và tăng trưởng kinh tế, giúp nhanh chóng phục hồi nền kinh tế doanh nghiệp mình, cũng như cả nước. Các doanh nghiệp sẽ có đà để tiếp cận tốt hơn nữa với các vận hội mới ngay sau khi hết dịch mà không mất thời gian phục hồi. Đây là một chính sách rất tiến bộ, nhân văn thể hiện sự đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp và được các doanh nghiệp đón nhận rất hào hứng.

PV: Theo Nghị định 52, đối tượng được hưởng chính sách gia hạn rất rộng, gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế như nông nghiệp lâm nghiệp, thủy sản, đến các lĩnh vực vận tải, khai khoáng... Tổng số tiền gia hạn theo tính toán của Bộ Tài chính là khoảng 115.000 tỷ đồng. Theo bà, các đối tượng được gia hạn như trên đã đảm bảo bao quát hết các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng chưa?

- Ls. Lê Thị Hồng Vân: Đối với đại dịch Covid-19 lần này, Nhà nước cũng đã chứng kiến nhiều sự “ra đi” của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi sự ảnh hưởng suy thoái về kinh tế quá lớn. Hết quý I/2021, chúng ta đã phải chứng kiến hơn 40.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường do giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động... Điều này cho thấy “sức đề kháng” của cộng đồng doanh nghiệp đã suy yếu rất nhiều. Chính vì vậy, ở lĩnh vực nào cũng rất cần chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhưng không chỉ trên giấy mà phải là thực hiện hiệu quả trên thực tế để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Nghị định số 52 đã mở rộng đối tượng hưởng chính sách gia hạn. Tôi cho rằng, các đối tượng này đã được các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao không bỏ sót đối tượng nào, nhưng cũng không quá ưu ái cho loại doanh nghiệp nào. Bởi lẽ, đại dịch ảnh hưởng đến mọi thành phần kinh tế ở mọi lĩnh vực khác nhau. Hay nói một cách khác thì chính sách này đã bao quát hết các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

PV: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, ngay sau khi nghị định được ban hành, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Thủ tục gia hạn cũng rất đơn giản. Tuy nhiên, để chính sách này đến với người dân và doanh nghiệp, còn phụ thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp và người nộp thuế. Bà có lời khuyên gì đối với người nộp thuế?

- Ls. Lê Thị Hồng Vân: Theo tôi, hiện nay chúng ta không thể phủ nhận vai trò của chính phủ điện tử, thương mại điện tử cũng như công nghệ thời kỳ cách mạng 4.0. Chỉ cần một cú “click chuột” là có thể nắm được đủ các thông tin, chính sách mới, cũng như các thủ tục trực tuyến nhanh gọn. Vì thế, người nộp thuế cần trang bị cho mình những kiến thức tốt nhất về công nghệ để sử dụng linh hoạt ở mọi thời điểm và trên mọi phương tiện điện tử cá nhân.

Việc làm này nhằm rút ngắn các thủ tục hành chính nhưng lại mang đến hiệu quả rất lớn, giúp các cơ quan nhà nước và các cá nhân, doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được thông tin cũng như trao đổi và xử lý nhanh hơn những sự cố nhầm lẫn vừa giúp Nhà nước quản lý tốt hơn và đối tượng nộp thuế cũng thực hiện nghĩa vụ một cách chính xác, kịp thời hơn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Người nộp thuế nên chủ động làm thủ tục gia hạn sớm

Để được hưởng quyền lợi, Ls. Lê Thị Hồng Vân cho rằng, người nộp thuế phải nắm được chính sách, quyền và nghĩa vụ của mình. Nắm được đúng và chính xác thời điểm cũng như thời hạn được gia hạn các sắc thuế. Nộp tờ khai đúng thời hạn, thậm chí có thể nộp trước thời điểm để tránh nghẽn mạng và cơ quan thuế cũng nắm bắt được thông tin của đối tượng nộp thuế và điều chỉnh sai sót nếu có một cách kịp thời hơn. Đây là cơ hội đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như người nộp thuế bị ảnh hưởng. Nhờ được gia hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều doanh nghiệp đã dần phục hồi trở lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Chính sách đã được đưa ra, nhưng quan trọng là thực hiện sao cho nhanh gọn, hiệu quả nhất là điều doanh nghiệp mong chờ lúc này.

Nhật Minh (thực hiện)

Nhật Minh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam