Ngành Hải quan đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện

11:25 | 16/03/2021 Print
Trong những năm qua, ngành Hải quan đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện trong các mặt công tác nghiệp vụ hải quan.

hải quan

Phòng Giám sát hải quan trực tuyến giới thiệu về hoạt động tại Trung tâm Giám sát hải quan trực tuyến đặt tại trụ sở Tổng cục Hải quan. Ảnh: Đức Minh

Xây dựng đầy đủ hành lang pháp lý

Theo Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2016 - 2020, để đáp ứng yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch để làm cơ sở cho việc phát triển ứng dụng CNTT, chính phủ điện tử và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã chủ động nghiên cứu và ban hành các văn bản nội bộ về quy chế, quy trình nhằm hoàn thiện việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các hệ thống CNTT ngành Hải quan, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp,...

Giai đoạn 2016 - 2020, với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại

Ngoài các quy định trong Luật Hải quan, trong thời gian vừa qua, các văn bản pháp lý khác quy định trực tiếp phục vụ triển khai cơ quan Hải quan điện tử nói riêng và xây dựng Chính phủ điện tử nói chung cũng như ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã được ban hành, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc xây dựng cơ quan hải quan điện tử tại Việt Nam.

Để đảm bảo tổ chức triển khai các chương trình ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử, giai đoạn 2016 – 2020, Tổng cục Hải quan đã tổ chức xây dựng và ban hành đầy đủ, đồng bộ các kế hoạch, chương trình ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0.

Giai đoạn 2016 – 2020 cũng đánh dấu sự phát triển và hoàn thiện về chất trong công tác xây dựng quy trình, quy chế quản lý, sử dụng các hệ thống CNTT, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều quy trình, quy chế quản lý, vận hành, sử dụng các hệ thống CNTT một cách khoa học, chuyên nghiệp.

Phủ sóng CNTT trên nhiều mặt công tác

Tổng cục Hải quan đánh giá, giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Hải quan bám sát và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Tài chính giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Tài chính và của Tổng cục Hải quan.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính về ứng dụng CNTT, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan. Đến nay, nhiều mục tiêu của Kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Tài chính giai đoạn 2016 – 2020 đã được hoàn thành như: xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; xây dựng các hệ thống ứng dụng; khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo hạ tầng; an ninh, an toàn hệ thống CNTT.

Trong đó, một số kết quả đã vượt so với mục tiêu đề ra như: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 163/193 đạt 84,5% (trong khi đó mục tiêu đề ra tại Kế hoạch đặt ra là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 30%).

Trong thời gian qua, Tổng cục Hải qua đã phát triển, quản lý và vận hành nhiều hệ thống thông tin lớn, cốt lõi trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan và một số các hệ thống phục vụ công tác nội ngành. Các hệ thống thông tin này đã góp phần quan trọng trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước về Hải quan,

Có thể kể đến như: Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Hệ thống thông quan điện tử V5 (TQĐT-V5); Hệ thống quản lý rủi ro; Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM); Hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu danh mục, biểu thuế và phân loại, mức thuế (MHS); Hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Cổng thanh toán điện tử hải quan; Hệ thống kiểm tra sau thông quan (STQ01); …

Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan đã có bước tiến lớn.

Những kết quả ứng dụng CNTT trong thời gian vừa qua là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng được một Hệ thống CNTT lớn hoạt động ổn định, thống suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan như: thực hiện thủ tục hải quan, nộp thuế, quản lý hàng hóa tại cảng biển, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, quản lý nội ngành./.

Năm 2018, Tổ chức Hải quan Thế giới đưa ra mô hình phát triển Hải quan số gồm 6 giai đoạn, gồm:

Giai đoạn 1 - Khởi động Hải quan điện tử: Thu thập dữ liệu các giao dịch; công bố website; công bố thông tin; tự động hóa văn phòng.

Giai đoạn 2 - Hải quan điện tử sơ khai: Chuẩn hóa dữ liệu; Điện tử hóa quy trình xử lý tờ khai và thông quan; Điện tử hóa các chứng từ kèm theo.

Giai đoạn 3 - Hải quan điện tử đối với từng lĩnh vực: Thông tin điện tử trước; Hài hòa hóa dữ liệu; Xử lý thông tin đến trước; Hệ thống quản lý rủi ro; Kiểm tra sau thông quan.

Giai đoạn 4 - Hải quan điện tử tích hợp: Quản lý biên giới tích hợp điện tử (e-CBM): Tích hợp nghiệp vụ điện tử (thanh toán, khai báo,…); nghiệp vụ tương tác; Hệ thống quản lý rủi ro/xác định trọng điểm; Quản lý kiểm tra chung; Ứng dụng di động.

Giai đoạn 5 - Hải quan điện tử tiên tiến: Quản lý thương mại điện tử; Thông quan 24/7; Trao đổi thông tin với các đối tác là cơ quan chính phủ; Phát triển Cơ chế một cửa; Trao đổi thông tin qua biên giới.

Giai đoạn 6 - Hải quan số: Phát triển các khối quản lý mang tính toàn cầu (GNC); Công nhận lẫn nhau; Tương tác thu thập hình ảnh không xâm nhập; Triển khai Cơ chế một cửa; sử dụng các công nghệ hiện đại.

Với kết quả ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay, Hải quan Việt Nam hiện đang đang trong giai đoạn giữa 4 và 5 trong tổng số 6 giai đoạn phát triển của Hải quan số.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam