Quản lý thuế thương mại điện tử: Cần quy định rõ trách nhiệm của ngân hàng và trung gian thanh toán

10:29 | 12/03/2021 Print
(TBTCVN) - Với sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay, vấn đề quản lý thuế thương mại điện tử là nội dung được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Quản lý thuế đối với giao dịch thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số

Quản lý thuế đối với giao dịch thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số được xem là bước tiến về chính sách thuế.

Phóng viên TBTCVN đã trao đổi với ông Nhân Huỳnh - Phó Tổng giám đốc, Trưởng bộ phận thuế quốc tế của Công ty KPMG Việt Nam, từ góc nhìn một đơn vị tư vấn thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài, xung quanh vấn đề này.

PV: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ tháng 7/2020 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/12/2020, để quản lý thuế với giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) và kinh doanh số. Theo ông, những quy định pháp luật này đã đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT hiện nay chưa?

Ông Nhân Huỳnh
Ông Nhân Huỳnh
Ông Nhân Huỳnh: Dưới góc độ quản lý thuế, sự phát triển không ngừng và tính đa dạng của TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số trong những năm qua đòi hỏi không những cơ quan thuế Việt Nam, mà cả cơ quan thuế trên toàn thế giới phải xây dựng chính sách thuế phù hợp, nhằm đảm bảo việc thu thuế đúng và hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh đang phát triển vượt bậc này.

Theo tôi, các quy định mới tại Luật Quản lý thuế số 38 cũng như Nghị định 126 là khung pháp lý quan trọng cho cơ chế thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Sắp tới đây, Bộ Tài chính sẽ ban hành quy định cụ thể cho cơ chế này bao gồm việc đăng ký, kê khai, nộp hay khấu trừ thuế... Với đặc thù kinh doanh qua mạng, không như các loại hình kinh doanh thương mại truyền thống, tôi cho rằng quy định này rất cần sự rõ ràng, đơn giản giúp cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế có thể tuân thủ và thực hiện một cách hiệu quả. Với một cơ chế thuế mới này, việc triển khai trên thực tế có thể có những khó khăn, bất cập và tôi tin rằng các nhà làm chính sách sẽ có những cập nhật thường xuyên nhằm tạo điều kiện để người nộp thuế có thể tuân thủ chính sách thuế và tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ, cũng như sự phát triển của mô hình TMĐT trong nền kinh tế Việt Nam.

PV: Về Nghị định 126, ông có bình luận gì về những điểm mới đáng lưu ý?

Ông Nhân Huỳnh: Theo Nghị định 126, ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Cụ thể, nhà cung cấp ở nước ngoài sẽ đăng ký kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Trong trường hợp họ không thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì hàng tháng, ngân hàng, trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài. Tổng cục Thuế công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế và thông báo cho ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài…

Quy định trên đã đặt ra một số vấn đề mà tôi cho rằng cần được làm rõ và hướng dẫn cụ thể, ví dụ như, trách nhiệm của ngân hàng và trung gian thanh toán trong việc tính toán không đúng số thuế phải khấu trừ và nộp thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam. Bởi, việc xác định từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp nước ngoài cung cấp để áp dụng đúng tỷ lệ % để tính thuế nhà thầu có thể là một thách thức lớn về mặt thực tiễn đối với các ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán. Việc tính toán số thuế nhà thầu và cơ chế thu thuế trong trường hợp nghĩa vụ thuế phát sinh tại Việt Nam là do cá nhân Việt Nam phải gánh chịu, trên cơ sở hợp đồng giữa cá nhân Việt Nam và nhà cung cấp nước ngoài.

PV: Theo ông, đâu là những giải pháp để việc phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan thuế trong việc quản lý thuế TMĐT thực sự có hiệu quả?

Ông Nhân Huỳnh: Để tạo thuận lợi cho ngân hàng, cũng như doanh nghiệp có thể thực hiện tốt việc kê khai và nộp thuế, chúng tôi đề xuất Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế nên sớm tổ chức các hội thảo có sự tham gia của các ngân hàng, cũng như các công ty nước ngoài điển hình trong lĩnh vực này, nhằm lắng nghe các ý kiến đề xuất từ thực tiễn kinh doanh. Từ đó, xây dựng các quy định hướng dẫn thật chi tiết và cụ thể để giải đáp các vấn đề còn vướng mắc, đảm bảo vừa thực hiện tốt mục tiêu quản lý thuế, nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bước tiến về chính sách quản lý thuế

Việc Việt Nam ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/7/2020, trong đó quy định một số nguyên tắc về quản lý thuế đối với giao dịch thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số được xem là bước tiến về chính sách thuế nhằm quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, trong bối cảnh quy mô và tính đa dạng của nền kinh tế số không ngừng tăng trưởng và phát triển.

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam