Kinh nghiệm quản lý thuế thương mại điện tử tại Hà Nội: Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ

11:10 | 26/02/2021 Print
(TBTCVN) - Báo cáo của Cục Thuế TP. Hà Nội cho thấy, thu thuế từ thương mại điện tử trên địa bàn thành phố năm 2020 đạt 123 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019.

Người nộp thuế đặt câu hỏi về chính sách thuế tại Hội nghị tập huấn về chính sách thuế

Người nộp thuế đặt câu hỏi về chính sách thuế tại Hội nghị tập huấn về chính sách thuế đối với thương mại điện tử do Cục Thuế TP. Hà Nội tổ chức.

Một trong những nguyên nhân mang lại kết quả này là do Cục Thuế TP. Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ giúp người nộp thuế nắm bắt được chính sách và tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế.

Chủ động rà soát đối tượng thuộc diện quản lý thuế

Trước tình hình phát triển của hoạt động thương mại điện tử, cũng như bán hàng qua mạng trong nhiều năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Cục Thuế TP. Hà Nội đã chủ động tiến hành rà soát người nộp thuế trên địa bàn để đưa vào diện quản lý thuế.

Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, để chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ngay từ năm 2017, Cục Thuế TP. Hà Nội đã chủ động rà soát các cá nhân có hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội.

Qua rà soát, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tập hợp được hàng nghìn tài khoản có hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội. Cục thuế đã thực hiện gửi 13.000 tin nhắn đến các chủ thuê bao có địa chỉ bán hàng trên các mạng xã hội, đã xác định có khoảng trên 2.000 cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký kê khai thuế. Hiện cục thuế đã và đang tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng...

“Qua phối hợp với các cơ quan liên quan, cục thuế đã nhận diện, phân loại và thu thập dữ liệu các đối tượng liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Thông qua đó, cơ quan thuế có những biện pháp cụ thể đối với từng nhóm đối tượng quản lý, từ cung cấp ứng dụng trên Google, Facebook, đến bán hàng online, cho thuê nhà qua ứng dụng Agoda, Booking.com, Airbnb...” - ông Trường chia sẻ.

Cùng với việc chủ động rà soát các đối tượng kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội, người nộp thuế có thu nhập từ cung cấp ứng dụng trò chơi trực tuyến…, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đã tham mưu với cấp trên để hoàn thiện chính sách thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Hiện nay Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 đã bổ sung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan thuế thực hiện siết chặt quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Trân trọng và đánh giá cao thái độ hợp tác của người nộp thuế

Sau khi đã rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn có hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội, người nộp thuế có thu nhập từ việc cung cấp ứng dụng trò chơi trực tuyến cho các trang mạng nước ngoài, Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục triển khai bước tiếp theo, đó là tuyên truyền và tập huấn chính sách thuế cho các đối tượng này. “Để tổ chức, cá nhân biết và chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế, chúng tôi cũng đã thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, giúp người nộp thuế nắm bắt được quy định pháp luật về thuế, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế” - ông Trường nói.

Cũng theo đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội, cùng với việc tuyên truyền, tập huấn, cục thuế đã có công văn hướng dẫn các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký thuế. Bộ thủ tục hướng dẫn này cũng được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế TP. Hà Nội. Đồng thời, cơ quan thuế đăng tải trên bảng thông báo tại bộ phận một cửa để các cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế lưu ý, hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về nội dung kê khai thuế đối với người nộp thuế.

Ông Lê Quang Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên người nộp thuế trên địa bàn đã nắm được các chính sách thuế, cũng như nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà nước. Theo ông Hùng, trong năm 2020, Chi cục Thuế quận Cầu Giấy đã có 65 cá nhân kinh doanh online kê khai và nộp thuế tới 55 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều cá nhân khác đã tự nguyện kê khai, nhưng chưa đến ngưỡng phải nộp thuế và đã được cơ quan thuế đưa vào diện quản lý thuế.

“Thực hiện chỉ đạo của Cục Thuế TP. Hà Nội, vừa qua chúng tôi đã thực hiện rà soát các đối tượng kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội, sau khi rà soát, chúng tôi đã mời các cá nhân này đến để tập huấn, phổ biến chính sách thuế. Sau khi tập huấn, đã có 2 trường hợp cung cấp phần mềm cho các trang mạng nước ngoài tự giác kê khai và nộp thuế hơn 40 tỷ đồng. Chúng tôi rất trân trọng và đánh giá cao thái độ hợp tác của người nộp thuế trên địa bàn đã tự giác kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Dù đóng góp ít hay nhiều, thì trong bối cảnh khó khăn này là rất đáng quý và trân trọng” - ông Hùng nói.

Nhiều cá nhân tự giác nộp hàng chục tỷ đồng vào ngân sách


Theo báo cáo của Cục Thuế TP. Hà Nội, năm 2020 thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn đạt 123 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019. Nhiều cá nhân đã tự giác kê khai và nộp hàng chục tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Tiêu biểu như tại quận Cầu Giấy, một cá nhân là nữ giới, 28 tuổi, người này đã cung cấp nhiều phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải, có tổng thu nhập lên tới 330 tỷ đồng, đã kê khai và nộp thuế 23,4 tỷ đồng. Một cá nhân khác là nam giới, 30 tuổi, cũng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy. Nam thanh niên này đã có thu nhập 260 tỷ đồng từ việc cung cấp phần mềm, đã kê khai và nộp thuế 18,1 tỷ đồng.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam