Gia hạn nộp thuế là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp vượt khó

16:28 | 25/02/2021 Print
Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, đề xuất gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ là giải pháp thiết thực nhất để giúp doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua khó khăn.

may thái nguyên

Nhiều ý kiến cho rằng việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: Nhật Minh.

PV: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát và đang có diễn biến khá phức tạp tại Hải Dương và một số tỉnh, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tiếp tục gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với người nộp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

- Ông Nguyễn Văn Được: Theo tôi, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục Covid-19 trong năm 2020 đã phát huy được tác dụng tích cực, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Kế thừa hiệu quả của những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề xuất gia hạn thuế và tiền thuê đất.

Việc gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là vô cùng cấp thiết đối với doanh nghiệp và người dân, vì năm 2021 được dự đoán là cực kỳ khó khăn do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam.

Gia hạn nộp thuế là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp vượt khó
Gia hạn thuế như một liều thuốc trợ lực tài chính cho doanh nghiệp hạn chế khó khăn, tăng cường sức khỏe tài chính doanh nghiệp và là tiền đề cho sự duy trì phát triển của doanh nghiệp, tạo nền tảng cho việc tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Văn Được

Việc gia hạn thuế có nghĩa là doanh nghiệp và người dân tạm thời chưa phải nộp thuế vào ngân sách nhà nước, được sử dụng số tiền thuế gia hạn đó vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ hạn chế được những khó khăn.

Gia hạn thuế chính là “khoan sức dân”, là hợp tình, hợp lý phù hợp với tình hình thực tế có thể đem lại những lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho sự duy trì, phát triển doanh nghiệp góp phần tăng trưởng nền kinh tế vì:

Thứ nhất: Gia hạn thuế tác động trực tiếp đến doanh nghiệp bởi doanh nghiệp được hoãn nộp tiền thuế, sử dụng số tiền thuế vào hoạt động kinh doanh khắc phục khó khăn mà không phải tính lãi. Do đó, về cơ bản doanh nghiệp được hưởng lợi khoảng 8 - 10%/năm và 4 - 5% cho mỗi kỳ thuế gia hạn 5 tháng do không phải đi vay ngân hàng nên không phải trả lãi suất.

Thứ hai: Hưởng lợi trực tiếp từ chính sách gia hạn thuế đối với doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là không phải trả lãi ngân hàng, không bị tính tiền chậm nộp tiền thuế mà sâu xa hơn là doanh nghiệp có được nguồn lực tài chính chủ động và ngay tức thời, không phải thực hiện các thủ tục tín dụng rườm rà và mất thời gian.

Do đó chính sách này đã tạo được sự thuận lợi cho doanh nghiệp có nguồn lực tài chính sẵn sàng để thanh toán, chi trả những hoạt động thường xuyên cũng như các chi phí lương, phúc lợi cho người lao động nhằm đảm bảo và duy trì sản xuất kinh doanh, đây cũng là cơ hội cho sự phát triển và tăng trưởng sau này.

Đặc biệt, chính sách này rất hiệu quả và thiết thực đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ vốn dĩ không có tài sản đảm bảo nên không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng nên việc gia hạn thuế như khoản vay tín chấp với đối tượng này là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Thứ ba: Chính sách gia hạn thuế còn tác động tích cực đến doanh nghiệp do độ bao phủ của chính sách này là khá rộng, khoảng trên 90% tổng số doanh nghiệp dự kiến thuộc đối tượng được gia hạn thuế.

Khi có sự hỗ trợ tài chính, doanh nghiệp được hưởng lợi sẽ có nguồn tài chính tốt hơn, lúc này doanh nghiệp sẽ thực hiện các biện pháp quản trị hiệu quả vốn, bán hàng và hàng tồn kho thông qua việc nới rộng hạn mức nợ, nới rộng thời hạn thanh toán cho đối tác, cho khách hàng để tăng doanh số, tăng vòng quay hàng tồn kho giúp cho chính doanh nghiệp này phát triển và từ đó thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, các đối tác của doanh nghiệp này được hưởng lợi thông qua các chính sách bán hàng, thanh toán… từ đó có cơ hội tận dụng nguồn vốn của nhà cung cấp để hạn chế bớt khó khăn. Do vậy, xét trên tổng thể chính sách này có tác động kép đến doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cuối cùng: Xét trên góc độ vĩ mô, khi doanh nghiệp được gia hạn thuế, khoan sức dân thì doanh nghiệp và người dân không chỉ có nguồn lực tài chính hạn chế khó khăn mà còn tác động cho việc thúc đẩy đầu tư tư nhân, kích thích tiêu dùng từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo đà cho doanh nghiệp và nền kinh tế tăng trưởng.

Tóm lại, chính sách gia hạn thuế có tác động kép tới doanh nghiệp và nền kinh tế, như một liều thuốc trợ lực tài chính cho doanh nghiệp hạn chế khó khăn, tăng cường sức khỏe tài chính doanh nghiệp và là tiền đề cho sự duy trì phát triển của doanh nghiệp, tạo nền tảng cho việc tăng trưởng kinh tế.

PV: Như ông vừa nói thì chính sách gia hạn nộp thuế đã mang lại hiệu quả thiết thực. Xin ông cho biết người nộp thuế phải làm gì để được thụ hưởng chính sách này khi được Chính phủ ban hành?

- Ông Nguyễn Văn Được: Doanh nghiệp là người hiểu rõ lợi ích của chính sách gia hạn thuế này trong năm 2020. Do đó, theo tôi ngay lúc này doanh nghiệp cần phát ra những tín hiệu về sự cần thiết của chính sách này để Chính phủ và nhà nước có cơ sở sớm ban hành chính sách gia hạn thuế.

Khi chính sách được ban hành, doanh nghiệp nên đón nhận nó một cách tích cực để đạt được những hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Để được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế theo dự thảo thì khá đơn giản, người nộp thuế chỉ cần gửi thông báo thuộc đối tượng gia hạn thuế kèm theo hồ sơ khai thuế tương ứng…

Thủ tục hành chính khá đơn giản nhưng doanh nghiệp cần phải nắm vững quy định về biểu mẫu, thời gian và đối tượng được gia hạn để tránh những sai sót, nhầm lẫn không đáng có gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp cũng như hạn chế những rủi ro về thuế sau này.

PV: Qua tìm hiểu được biết, tại Tờ trình của Bộ Tài chính thì thủ tục để được gia hạn lần này rất đơn giản. Tuy nhiên, để tất cả các đối tượng trong diện này được thụ hưởng thì cơ quan thuế cần phải làm gì?

- Ông Nguyễn Văn Được: Về cơ bản các đối tượng được gia hạn nộp thuế năm 2020 nay có thể tiếp tục là đối tượng gia hạn của năm 2021 theo tờ trình. Do đó, theo tôi có thể xây dựng phương án kế thừa những thủ tục hành chính về gia hạn thuế năm 2020 chuyển tiếp cho 2021 đối với nhưng doanh nghiệp, hộ cá nhân không có thay đổi đối tượng được gia hạn.

Doanh nghiệp và hộ cá nhân chỉ phải nộp hồ sơ bổ sung gia hạn thuế khi có sự thay đổi đối tượng so với quy định của năm 2021 nhằm giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân và cũng giảm bớt các thủ tục quản lý, xử lý của cơ quan thuế từ đó giảm chi phí xã hội…

Tuy nhiên, ngành Thuế cũng có thể sử dụng phương án thực hiện thông báo đối tượng được gia hạn, thời gian và số thuế gia hạn cho từng loại thuế tương ứng được tích hợp ngay trong hồ sơ khai thuế của từng kỳ thuế có gia hạn trên hệ thống hỗ trợ kê khai nộp thuế iHTK, để người nộp thuế thuận tiện nộp điện tử cùng với hồ sơ khai thuế từ đó giảm thủ tục hành chính và hạn chế lây lan ảnh hưởng Covid-19.

Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp và người dân trên nhiều kênh thông tin như báo chí, truyền hình, mạng xã hội, gửi thư điện tử… một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhưng đầy đủ để doanh nghiệp, người dân nắm được chính sách gia hạn từ đó có cơ sở thực hiện đúng, đẩy đủ và hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh (thực hiện)

Nhật Minh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam