Những tín hiệu lạc quan về kinh tế khu vực ASEAN-5

16:06 | 02/07/2021 Print
Với sự bứt phá từ quý cuối năm 2020 của kinh tế toàn cầu, trong đó có khu vực ASEAN-5, sang năm 2021, tăng trưởng của khu vực này đã có những tín hiệu phục hồi lạc quan nhờ sự khẩn trương tiêm vắc-xin và sự điều hành kịp thời của các Chính phủ.

Tại Indonesia: Tăng trưởng kinh tế (năm so với năm) tăng từ -2,19% trong quý 4/2020 lên -0,74% trong quý 1/2021, chủ yếu do chi tiêu của Chính phủ tăng nhanh hơn trong khi tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư cố định giảm ít hơn. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ 52,2 điểm trong tháng 1 lên 55,3 điểm trong tháng 06/2021. Đây là tháng tăng trưởng thứ bảy liên tiếp của hoạt động sản xuất, chủ yếu do sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng cao kỷ lục. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ 84,9 điểm trong tháng 01 lên 104,4 điểm trong tháng 05/2021.

Theo ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt mức 4,5% trong năm 2021 và 5% vào năm 2022 – mức tăng trưởng cao của giai đoạn trước khi xuất hiện dịch Covid-19.

WB (tháng 6/2021) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này tăng từ mức -2,1% trong năm 2020 lên mức 4,4% trong năm 2021.

Chỉ số lạm phát tăng từ 1,55% trong tháng 01 lên 1,68% trong tháng 5/2021. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, chủ yếu do sự tăng nhanh của một số mặt hàng như thực phẩm, đồ uống và thuốc lá.

kinh te
Tăng trưởng Khu vực ASEAN-5 đã có những tín hiệu phục hồi lạc quan. Ảnh: TL

Tại Malaysia: Tăng trưởng kinh tế tăng từ -3,4% trong quý 4/2020 lên -0,5% trong quý 1/2021, chủ yếu do đầu tư cố định và chi tiêu hộ gia đình tăng trong bối cảnh hoạt động kinh tế được mở lại và tác động của các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ và ngân hàng trung ương. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ mức 48,9 điểm trong tháng 01/2021 lên mức 51,3 điểm trong tháng 5/202, đây là tháng mở rộng thứ hai liên tiếp trong lĩnh vực này chủ yếu do đơn đặt hàng mới tăng trong bối cảnh sự phục hồi ổn định sau đại Covid-19.

WB (tháng 6/2021) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này tăng từ mức -5,6% trong năm 2020 lên mức 6,0% trong năm 2021.

Chỉ số lạm phát tăng từ mức -0,2% trong tháng 01 lên 4,4% trong tháng 5/2021, chủ yếu do giá của một số nhóm tăng nhẹ như giao thông, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ khác trong khi lạm phát ổn định đối với nhóm nhà hàng và khách sạn, đồ uống có cồn và thuốc lá.

Tại Thái Lan: Tăng trưởng kinh tế tăng từ -4,2% trong quý 4/2020 lên -2,6% trong quý 1/2021, tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường là giảm 3,3%, chủ yếu do đầu tư cố định và chi tiêu của Chính phủ tăng. Chỉ số PMI sản xuất giảm từ 49,0 điểm trong tháng 01 xuống 47,8 điểm trong tháng 05/2021. Nguyên nhân chính sản lượng và đơn đặt hàng mới đều giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ ba đã khiến cho nền kinh tế suy giảm.

Lạm phát tăng từ -0,34% trong tháng 01 lên 2,44% trong tháng 5/2021 - đánh dấu tháng lạm phát tiêu dùng thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh tiêu dùng phục hồi sau cú sốc COVID-19. Động lực tăng giá chính trong tháng 5 đến từ sự tăng giá của nhóm lương thực và vận tải.

WB (tháng 6/2021) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này tăng từ mức -6,1% trong năm 2020 lên mức 2,2% trong năm 2021.

Tại Philippines: Tăng trưởng kinh tế tăng từ -8,3% trong quý 4/2020 lên -4,2% trong quý 1/2021, chủ yếu do chi tiêu của Chính phủ tăng nhanh. Chỉ số PMI sản xuất giảm từ 52,5 điểm trong tháng 1 xuống 49,9 điểm trong tháng 5/2021, chủ yếu do sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm. Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng từ 10,6 điểm trong quý 4/2020 lên 17,4 điểm trong quý 1/2021.

WB (tháng 6/2021) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này tăng từ mức -9,6% trong năm 2020 lên mức 4,7% trong năm 2021.

Tỷ lệ lạm phát tăng từ 4,2% trong tháng 01 lên 4,5% trong tháng 5/2021, chủ yếu do lạm phát của nhóm truyền thông và giáo dục ổn định, trong khi đó lạm phát có phần chậm lại với nhóm thực phẩm, đồ uống không cồn, vận tải. Ngược lại, lạm phát vẫn tăng tại các nhóm y tế, nhà hàng, thiết bị gia dụng, quần áo.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam