Thương mại ASEAN-5 tăng trưởng tích cực bất chấp làn sóng bùng phát Covid-19 mới

14:19 | 28/06/2021 Print
Mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp tại một số nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tình hình xuất nhập khẩu của khu vực ASEAN-5 vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.

Tại Thái Lan: Trong tháng 5/2021, cán cân thương mại thặng dư 0,8 tỷ USD, tăng so với mức thặng dư 0,18 tỷ USD của tháng 04/2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 23,06 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng 04/2021 và tăng 41,6% so với tháng 5/2020 (cao hơn nhiều so với ước tính của thị trường về mức tăng trưởng 30%). Đây là mức tăng nhanh nhất trong các lô hàng xuất đi trong gần 11 năm, trong bối cảnh nhu cầu nước ngoài tăng cao.

Trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực thì xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,9%; Nhật Bản là 27,4% và Trung Quốc là 25,5%.

Nhập khẩu cũng vượt qua kỳ vọng của thị trường về mức tăng khi đạt 22,26 tỷ USD, tăng 4,8% so với tháng 04/2021 và tăng 63,5% so với tháng 5/2020 (kỳ vọng của thị trường về mức tăng 53,65%) do nhu cầu trong nước tăng nhanh sau giai đoạn gián đoạn của COVID-19.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại của Thái Lan thặng dư 1,49 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 108,64 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 107,14 tỷ USD, tăng 21,5% so với 5 tháng đầu năm 2020.

thai
Tình hình xuất nhập khẩu của khu vực ASEAN-5 vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: TL

Tại Indonesia: Trong tháng 5/2021, cán cân thương mại thặng dư 2,37 tỷ USD, tăng 8,2% so với tháng 4/2021 và tăng 17,9% so với tháng 5/2020. Xuất khẩu đạt 16,6 tỷ USD, giảm 10,3% so với tháng 04/2021 nhưng tăng 58,8% so với tháng 5/2020 - cao hơn sự đồng thuận của thị trường với mức tăng 57,49%.

Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất kể từ tháng 1 năm 2010, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa tăng. Doanh số xuất khẩu ngoài dầu khí tăng 58,30% lên 15,66 tỷ USD; trong khi xuất khẩu dầu và khí đốt tăng 66,99% lên 0,94 tỷ USD, trong bối cảnh xuất khẩu dầu thô cao hơn. Xét trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 83,99 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu đạt 14,23 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng 04/2021 nhưng tăng 68,7% so với tháng 5/2020, cao hơn ước tính của thị trường là tăng 65%. Đây là tháng thứ tư liên tiếp mở rộng các lô hàng đến và là tốc độ cao nhất kể từ tháng 4 năm 2010, trong bối cảnh nhu cầu trong nước tăng cao sau khi tiêm chủng COVID-19 tăng tốc. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đạt 73,91 tỷ USD, tăng 22,7% so với 5 tháng đầu năm 2020.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại Indonesia thặng dư 10,17 tỷ USD, tăng 143,3% so với 5 tháng đầu năm 2020.

Tại Malaysia: Tháng 04/2021, cán cân thương mại nước này thặng dư 20,48 tỷ MYR, tăng so với mức thâm hụt 3,63 tỷ MYR của tháng 04/2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 105,62 tỷ MYR, tăng 0,6% so với tháng 03/2021 và tăng 63,0% so với tháng 04/2020. Đây là tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2 năm 1998, sau mức tăng 31% trong tháng trước và vượt qua sự đồng thuận của thị trường về mức tăng 52,4%.

Xuất khẩu tăng đối với tất cả các ngành: chế tạo (65,5%), khai khoáng (66,9%) và nông nghiệp (24,5%). Trong số các đối tác thương mại lớn, xuất khẩu tăng mạnh sang Mỹ (128,6%), Trung Quốc (28,0%) và Singapore (55,1%). Ngoài ra, xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng 58,6%.

Tháng 4/2021, nhập khẩu của Malaysia cũng tăng cao ở mức 84,14 tỷ MYR, tăng 5,4% so với tháng 03/2021 và tăng 24,4% so với tháng 04/2020 – cao hơn sự đồng thuận của thị trường về mức tăng 19,9%. Mức tăng cao nhất được ghi nhận ở hàng hóa trung gian (64,4%), sau đó là hàng tiêu dùng (29,9%). Xét theo thị trường nhập khẩu từ Trung Quốc và Singapore lần lượt tăng 42,3% và 90,5%. Nhập khẩu cũng tăng từ Hoa Kỳ (14,2%), các nước ASEAN (75,4%).

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại Malaysia thặng dư 79,12 tỷ MYR, tăng 137,3% so với 4 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 387,77 tỷ MYR, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 308,65 tỷ MYR, tăng 14,3% so với 4 tháng đầu năm 2020.

Tại Philippines: Cán cân thâm hụt 2,74 tỷ USD trong tháng 04/2021, tăng so với mức thâm hụt 2,42 tỷ USD của tháng 03/2021 và tăng so với mức thâm hụt 0,45 tỷ USD của tháng 04/2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,71 tỷ USD, tăng 101,8% so với tháng 04/2020 và nhập khẩu đạt 8,45 tỷ USD, tăng 157,6% so với tháng 04/2020.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại của Phillipines thâm hụt 10,33 tỷ USD, tăng 29,4% so với 4 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 23,22 tỷ USD, tăng 19% so với 4 tháng đầu năm 2020 và nhập khẩu đạt 33,55 tỷ USD, tăng 21,9% so với 4 tháng đầu năm 2020./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam