Không phải ai cũng được hưởng lợi từ tự do thương mại

18:49 | 26/05/2021 Print
Một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế (WB) giới tại một số quốc gia đang phát triển chỉ ra rằng, nếu không có các chính sách điều chỉnh từ nhà nước thì lợi ích của thương mại chỉ hạn chế trong một số khu vực, ngành nghề và nhóm dân số.

trade

Thương mại được xem là chất xúc tác cho tăng trưởng và giảm đói nghèo toàn cầu. Nguôn: WB

Báo cáo mới này dựa trên nghiên cứu tại 5 quốc gia đang phát triển là Mexico, Sri Lanka, Bangladesh, Brazil và Nam Phi.

Theo WB, sự gia tăng của thương mại quốc tế đã làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu và đồng thời, giảm đáng kể tình trạng nghèo đói trên toàn thế giới. Từ năm 1990 đến năm 2017, tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu đã giảm từ 36% xuống còn 9%, trong khi các nước đang phát triển tăng tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu từ 16% lên 30%. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Á, đã sử dụng thương mại để tạo ra việc làm, tích hợp vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, xóa đói giảm nghèo.

Nghiên cứu của WB cho thấy, mặc dù tự do thương mại mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên không phải ai cũng được hưởng lợi từ nó. Đơn cử như tại Sri Lanka, các cơ hội việc làm đến từ thương mại chỉ chủ yếu tập trung tại khu vực thành thị. Tại Bangladesh, mức tăng lương của các lao động có trình độ chuyên môn cao gấp 5 lần các lao động không lành nghề. Cá biệt hơn tại Nam Phi, tự do hóa thương mại còn khoét sâu thêm bất bình đẳng vốn đã tồn tại sẵn.

Theo các chuyên gia của WB, nếu không có các chính sách điều chỉnh từ nhà nước thì lợi ích của thương mại chỉ hạn chế trong một số khu vực, ngành nghề và nhóm dân số. Báo cáo này cũng đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy thương mại toàn cầu mang lại lợi ích cho người nghèo.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần nâng cao hiểu biết về cách các cú sốc thương mại ảnh hưởng đến người tiêu dùng và người lao động, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, thông qua dữ liệu, công cụ mới và phân tích quốc gia. Từ đó, cung cấp một loạt các chính sách bổ sung toàn diện dựa trên các phương pháp tiếp cận thực hiện cần thiết cho thương mại để giảm nghèo và bất bình đẳng.

Các chính sách phù hợp có thể làm cho thương mại bao trùm hơn bằng cách thúc đẩy một môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Tiếp đó là các chính sách giúp các giao dịch thương mại dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn và ít cồng kềnh hơn. Đồng thời, giúp người lao động xây dựng kỹ năng mới và công việc mới./.

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam