Thương mại tích cực tại một số nước ASEAN trong quý I

11:18 | 04/05/2021 Print
Việc triển khai vaccine phòng Covid-19, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ khiến đại dịch đang dần được kiểm soát. Bên cạnh đó, việc nới lỏng các quy định đi lại của người dân, di chuyển của hàng hoá dẫn đến thương mại một số nước ASEAN chuyển biến theo hướng tích cực trong quý 1/2021.

Tại Malaysia: Tháng 3/2021, cán cân thương mại thặng dư 24,16 tỷ MYR, tăng 35,2% so với tháng 02/2021 và tăng 96,3% so với tháng 3/2020. Đây là mức thặng dư lớn nhất kể từ tháng 7/2020, do xuất khẩu tăng nhiều hơn nhập khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 104,95 tỷ MYR, tăng 19,8% so với tháng 02/2021 và tăng 50,6% so với tháng 3/2020. Đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm gần đây. Kim ngạch nhập khẩu đạt 80,79 tỷ MYR, tăng 15,9% so với tháng 02/2021 và tăng 96,3% so với tháng 3/2020, trong đó hàng hóa được nhập khẩu nhiều nhất là tư liệu sản xuất (93,4%), hàng tiêu dùng (13,0%) và hàng hóa trung gian (12,4%).

Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại của Malaysia thặng dư 58,64 tỷ MYR, tăng 58,7% so với 3 tháng đầu năm 2020. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu đạt 282,15 tỷ MYR, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tổng giá trị nhập khẩu đạt 223,51 tỷ MYR, tăng 10,8% so với 3 tháng đầu năm 2020.

xuat
Ảnh: TL

Tại Thái Lan: Trong tháng 3/2021, cán cân thương mại thặng dư 0,71 tỷ USD, tăng so với mức thặng dư 7,2 triệu USD của tháng 02/2021 nhưng giảm so với mức thặng dư 1,73 tỷ USD của tháng 3/2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 24,22 tỷ USD, tăng 19,8% so với tháng 02/2021 và tăng 8,5% so với tháng 3/2020; nhập khẩu đạt 23,51 tỷ USD, tăng 16,3% so với tháng 02/2021 và tăng 14,1% so với tháng 3/2020.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại của Thái Lan thặng dư 0,52 tỷ USD, giảm mạnh so với mức thặng dư 4,62 tỷ USD của 3 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 64,15 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 63,63 tỷ USD, tăng 9,4% so với 3 tháng đầu năm 2020.

Tại Indonesia: Trong tháng 3/2021, cán cân thương mại thặng dư 1,56 tỷ USD, giảm 22,4% so với tháng 02/2021 nhưng tăng 116,7% so với tháng 3/2020. Đây là tháng thặng dư thương mại tháng 11 liên tiếp do xuất khẩu tiếp tục tăng cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,35 tỷ USD, tăng 20,2% so với tháng 02/2021 và tăng 30,5% so với tháng 3/2020. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2017. Nhập khẩu đạt 16,79 tỷ USD, tăng 26,6% so với tháng 02/2021 và tăng 25,7% so với tháng 3/2020. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2018.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại nước này thặng dư 5,52 tỷ USD, tăng so với mức thặng dư 2,62 tỷ USD của 3 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 48,92 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 43,39 tỷ USD, tăng 10,8% so với 3 tháng đầu năm 2020.

Tại Philippines: Cán cân thâm hụt 2,29 tỷ USD trong tháng 02/2021, giảm 20,5% so với tháng 01/2021 nhưng tăng 16,5% so với tháng 02/2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,31 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng 01/2021 và giảm 2,3% so với tháng 02/2020 và nhập khẩu đạt 7,60 tỷ USD, giảm 9,5% so với tháng 01/2021 nhưng tăng 2,7% so với tháng 02/2020.

Trong tháng 02/2021, trong số 10 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của nước này thì ghi nhận mức giảm cực lớn của 3 nhóm hàng sau: đồng tinh luyện giảm 24,8%; máy móc và thiết bị vận tải giảm 4,1%) và hàng hóa sản xuất khác giảm 2,2%. Mức tăng hàng năm của hàng hóa nhập khẩu trong tháng 2/2021 là do sự gia tăng của bảy trong số 10 nhóm hàng hóa chính, dẫn đầu là thiết bị viễn thông và máy móc điện (23,2%), tiếp theo là thực phẩm và động vật sống khác (13,7%); và nhựa ở dạng nguyên sinh và không nguyên sinh (8,8%).

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thâm hụt 5,17 tỷ USD, giảm 9,6% so với 2 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 10,83 tỷ USD, giảm 3,3% so với 2 tháng đầu năm 2020 và nhập khẩu đạt 16 tỷ USD, giảm 5,9% so với 2 tháng đầu năm 2020./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam