Gặp người cán bộ thuế từng tham gia tiếp quản Thủ đô

18:33 | 01/09/2015 Print
(TBTCVN) - Ông Huỳnh Huy Quế, 85 tuổi, nguyên là cán bộ của Tổng cục Thuế, người từng có nhiều năm làm chuyên gia tại Campuchia và là một trong số gần 200 cán bộ của Bộ Tài chính được cử về tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954.

ông huỳnh huy quế

Ông Huỳnh Huy Quế đang lật giở những tấm ảnh tư liệu chụp từ ngày còn làm chuyên gia tại Camphuchia. Ảnh: N.M.

Chúng tôi tìm gặp ông vào những ngày cuối tháng 8 lịch sử ở con phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội) - nơi ông và gia đình đang sinh sống. Những hồi ức trong ông về những năm tháng tiếp quản Thủ đô vẫn còn tươi mới.

Chuẩn bị lực lượng cho ngày tiếp quản

Sau khi rót nước mời khách, ông bảo: “Tớ vừa được Bộ Tài chính trao tặng giải C cho bài viết “Hồi tưởng về một thời chuyên gia K” trong đợt thi viết “Kỷ niệm sâu sắc về ngành Tài chính” do Bộ Tài chính phát động”. Từng có 5 năm làm chuyên gia tại Campuchia, nên việc ông được Bộ Tài chính trao giải C cho bài viết là sự ghi nhận xứng đáng. Nhưng điều khiến tôi nhớ về ông, đó là một người cán bộ thuế đầy tâm huyết. Mặc dù đã rời xa nhiệm sở sau “bốn bốn năm hạ cánh an toàn” như câu thơ ông đã từng viết. Nhưng những câu chuyện ông kể thì vẫn còn tươi mới, tràn đầy sức sống.

Lật giở từng trang tư liệu, ký ức của hơn 60 năm về trước dần hiện về, ông nói: “Năm 1953, khi thấy tình hình quân sự chuyển biến nhanh chóng, Bộ Tài chính đã chủ động liên hệ, đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn lựa một số cán bộ nữ ưu tú để đào tạo nghiệp vụ thuế, chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô Hà Nội và các thành thị khác khi giải phóng. Từ giữa tháng 10/1953, tại một khu vực bí mật trên chiến khu Việt Bắc, dưới hội trường bằng tre nứa lá, lớp học cho 68 nữ cán bộ thuế đầu tiên đã khai mạc.

Học viên là các cán bộ nữ được tuyển chọn ở Liên khu 3 - 4, Tả Ngạn, Việt Bắc đang độ tuổi thanhh xuân. Sau 6 tháng học tập, các học viên đã được phân về công tác tại các chi cục thuế và trở thành cán bộ nòng cốt của địa phương, sẵn sàng bổ sung vào đội ngũ cán bộ thuế, tài chính khi vào tiếp quản các vùng mới được giải phóng”.

Ông cũng còn nhớ như in ngày ông cùng gần 200 cán bộ tài chính từ các tỉnh được điều về thị xã Hà Đông huấn luyện, chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô. “Đầu tháng 9/1954, tôi cùng gần 200 cán bộ tài chính, hầu hết là cán bộ lãnh đạo ở các Ty tài chính, thuế vụ được về dự lớp huấn luyện để chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô.

Lớp học được mở gần ga Thường Tín (Hà Tây cũ), cách trung tâm Hà Nội chừng 18 km. Không gì hân hoan, sung sướng bằng khi chúng tôi được nhận nhiệm vụ vinh quang là tiếp quản Thủ đô, vì thế không khí lớp học rất hào hứng, sôi động. Tôi còn nhớ, khi dự lớp tập huấn, chúng tôi đã được quán triệt sâu sắc là phải thực hiện nghiêm 10 điều kỷ luật của cán bộ tiếp quản. Nhờ đó mà khi tiếp quản, cán bộ tài chính chúng tôi đã gây được ấn tượng tốt đẹp trong quần chúng nhân dân về phẩm chất, đạo đức của người cán bộ kháng chiến”, ông Quế nhớ lại.

Cả đêm không ngủ vì hồi hộp

Như để tăng mức độ tin cậy, ông đưa cho tôi tập tài liệu, trong đó tập hợp những bài viết của ông về chính sách thuế những ngày đầu tiếp quản Thủ đô như thế nào, kinh nghiệm và kết quả thu thuế hàng hóa tồn kho sau ngày tiếp quản Thủ đô, ký ức sâu sắc về hai lần được gặp Bác Hồ… Vừa chỉ cho tôi từng bài viết, từng bức ảnh, ông vừa nói:

“Cuối tháng 9/1954, lớp học kết thúc, các cán bộ tiếp quản được chuyển lên khu vực tập kết ở Phủ Lỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội), anh em chúng tôi lại ba lô trên vai di chuyển từ Hà Đông qua phía Bắc của Hà Nội. Các đoàn tiếp quản của các Bộ cũng được tập trung tại đây. Đoàn Bộ Tài chính do ông Đào Thiện Thi (Khi đó là Vụ trưởng Vụ Ngân sách) làm trưởng đoàn. Trong 3 ngày tập kết ở Phủ Lỗ, các đoàn đã được các cán bộ của Thành ủy Hà Nội phổ biến tình hình và kế hoạch tiếp quản".

Sau khi nhận giấy ủy nhiệm công tác của Ủy ban Liên lạc Trung ương, đúng 17 giờ ngày 2/10/1954, đoàn Bộ Tài chính cùng nhiều đoàn khác lên xe vào nội thành. Đến 19 giờ cùng ngày, đoàn đã vào đến nội thành, tập trung ở nhà thương Đồn Thủy (bệnh viện 108 và bệnh viện Việt Xô ngày nay -PV).

Trên đường từ Phủ Lỗ vào nội thành Hà Nội, chúng tôi chứng kiến nhiều đồn bốt địch, lính Pháp canh gác, nhưng dân chúng hai bên đường thấy đoàn xe của cán bộ tiếp quản với đồng phục “ka ki đại cán” đi qua đã hân hoan vẫy chào. Chúng tôi ai nấy đều xúc động, tự hào, nhất là đối với một số cán bộ sau gần chục năm phải xa Thủ đô, nay được trở về với tư thế của người chiến thắng thì vui sướng không thể tả xiết”.

Cũng theo lời ông Quế, ngày 3/10 việc tiếp quản bắt đầu được tiến hành. Đoàn cán bộ Tài chính chịu trách nhiệm quán lý Ty Tài chính thành phố đóng trong Tòa thị chính (nay là trụ sở UBND TP.Hà Nội), Nha Kiểm soát ước chi (nay là trụ sở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), cơ quan tiếp nhận viện trợ Mỹ… Những người đại diện cho phía Pháp đứng ra bàn giao đều là sĩ quan Pháp. Đến ngày 9/10, mọi việc hoàn tất, đây cũng là thời khắc quan trọng nhất của đoàn cán bộ tiếp quản Thủ đô.

“Cả đêm ngày 9/10/1954, gần 200 cán bộ chúng tôi đã không ngủ vì hồi hộp. Đến 15 giờ cùng ngày, chúng tôi tập trung tại Ty Tài chính để ăn tối và nghỉ ngơi tại đây. Thực tế chẳng ai ngủ được vì không khí sôi động, náo nức của người dân chuẩn bị cờ hoa để ngày hôm sau (10/10) đoàn quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô. Thức trắng đêm, đứng trên ban công gác hai Tòa nhà thị chính cũ, chúng tôi quan sát xung quanh: Hồ Gươm, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, nhà Bưu điện…

Đến 5 giờ sáng 10/10, chúng tôi đã chứng kiến những người lính Pháp gác Tòa thị chính rời đi, thay vào đó là anh bộ đội cụ Hồ đứng vào vị trí của mình để bảo vệ chính quyền cách mạng nhân dân Thủ đô Hà Nội. Được mục sở thị cảnh tượng đó, ai nấy đều xúc động, vui sướng trào nước mắt. Đến 6 giờ sáng ngày 10/10, bộ đội ta tiến vào Thủ đô giữa rừng cờ hoa, các tầng lớp nhân dân hân hoan đón chào quân chiến thắng trong khí thế “trùng trùng quân đi như sóng, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời…”, mở đầu kỷ nguyên mới trong sự phát triển của Hà Nội ngàn năm văn hiến”, ông Quế xúc động nói.

Tôi hỏi ông, công việc đầu tiên mà các cán bộ tiếp quản phải làm là gì. Ông Quế cho biết, sau tiếp quản thủ đô, hàng hóa ở miền Bắc rất khan hiếm, một phần do sản xuất đình đốn chưa kịp phục hồi, một phần nữa là do các thế lực ở đô thị nắm trong tay một khối lượng lớn hàng hóa “găm hàng” đẩy giá, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân. Để khắc phục tình trạng trên, đầu năm 1955, đồng thời với việc ban hành điều lệ thuế hàng hóa, Chính phủ đã cho triển khai ngay chế độ thuế hàng hóa tồn kho. Theo chế độ này, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh (kể cả hàng nhập khẩu) phải kê khai hàng hóa tồn kho trong vòng 3 ngày và nộp thuế trong vòng 10 ngày sau khi có thông báo.

Thuế tính theo biểu giá tính thuế do Nhà nước quy định, không phân biệt cơ sở có bán hàng hóa đó ra ngoài hay chưa. Biện pháp cứng rắn đó đã buộc các nhà buôn, doanh nghiệp phải tung hàng hóa ra thị trường. Thực hiện chủ trương này, Bộ Tài chính đã cử ngay cán bộ đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn để phổ biến chính sách và tiến hành ngay việc kê khai hàng hóa. Đây là việc làm đầu tiên và thành công nhất của các cán bộ tiếp quản Thủ đô.

Kết thúc câu chuyện, trước khi chia tay, ông đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ mà ông rất tâm đắc: “Bốn giải báo ngành thêm bữa tươiHuân chương ba loại cũng vui rồiLương chuyên viên bảy tiêu vừa đủThế sự lạc quan hưởng lộc trời"...

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam