Thâm hụt ngân sách cao kỷ lục từ sau Thế chiến II, Anh có thể vẫn tiếp tục vay mượn

15:27 | 24/04/2021 Print
Nguồn thu thuế giảm trong khi lại phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 đã đẩy mức thâm hụt ngân sách của Vương quốc Anh lên mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II.

Nguồn thu thuế giảm, đại dịch Covid-19 đã đẩy mức thâm hụt ngân sách của Anh

Nguồn thu thuế giảm, đại dịch Covid-19 đã đẩy mức thâm hụt ngân sách của Anh lên mức cao nhất kỷ lục từ sau Thế chiến II.

Theo số liệu ước tính tạm thời của Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh (ONS), trong năm tài chính từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, Chính phủ Anh đã phải đi vay tổng cộng 303,1 tỷ bảng, tăng mạnh 246 tỷ bảng so với mức 57,1 tỷ bảng của năm tài chính trước đó.

Mặc dù quy mô vay mượn lớn như vậy, nhưng ONS cho biết tổng vay mượn của chính phủ Anh trong năm tài chính 2020 - 2021 vẫn thấp hơn so với mức 327,4 tỷ Bảng mà Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách đã dự báo trong bản Ngân sách công bố ngày 3/3.

Tuy con số đi vay thấp hơn dự kiến, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm nền kinh tế Vương quốc Anh sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến quy mô thâm hụt ngân sách của Anh trong năm tài chính 2020-2021 là 14,5% GDP, thấp hơn một chút so với mức 15,2% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) vào năm cuối của Thế chiến II, nhưng cao hơn nhiều mức 10% GDP trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

Với mức vay mượn này, tỷ lệ nợ công của Vương quốc Anh đã bị đẩy lên mức 97,7% GDP, cao nhất kể từ đầu những năm 1960.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng mức vay mượn ước tính của chính phủ Anh cho năm tài chính 2020-2021 có thể sẽ tăng thêm trong những tháng tới khi ONS tính bổ sung các khoản thua lỗ có thể xảy ra đối với các chương trình cho doanh nghiệp vay của chính phủ.

Theo baoquocte.vn

Theo baoquocte.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam