Hà Nội đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết

16:35 | 29/12/2020 Print
Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tết năm 2021 tăng 7 đến 22% so với tết năm 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Hà Nội

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Chiều ngày 29/12/2020, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin báo chí công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa và quản lý thị trường, bảo đảm y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Dương lịch và Tết Tân Sửu năm 2021.

Hàng hóa thiết yếu phục vụ tết tăng trung bình từ 7% - 22%

Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đến nay đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP.Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình để đưa hàng bình ổn phục vụ nhân dân thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị; 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể, 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.

Sở Công thương Hà Nội cũng xác định lượng và khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, từ đó đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa ban xây dựng và tổ chức kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo phục vụ nhân dân.

Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tết (tính cho 3 tháng trước trong và sau Tết): Gạo 292.500 tấn; thịt lợn 56.700 tấn; thịt gà 18.900 tấn; thịt bò 18.459 tấn; trứng gia cầm 396 triệu quả; rau củ 315.000 tấn; thực phẩm chế biến 18.114 tấn; thủy hải sản 15.750 tấn; trái cây 156.000 tấn.

Sở cũng đánh giá khả năng cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thời điểm hiện tại: Gạo đáp ứng gần 60%; thịt lợn đáp ứng 92%; thịt gà cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; rau củ hơn 64%, trái cây gần 29%...

Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, Sở Công thương Hà Nội sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra khoảng 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Công thương Hà Nội, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc quản lý của Sở, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại, sự kiện xúc tiến thương mại trên địa bàn.

Để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ dự trữ lượng hàng hóa tăng khoảng 5% so với kế hoạch tết năm 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp tết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

Như vậy “Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch tết năm 2020” - bà Trần Thị Phương Lan nói.

tết
Tại các siêu thị Hà Nội, nguồn cung các mặt hàng dồi dào. Ảnh: Khánh Linh

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến

Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%; trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Nhu cầu tăng cao trong khi thời tiết, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn.

Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng khô như măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, miến... đã rục rịch tăng giá. Do đó, Sở Công thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động tích cực dự trữ hàng hóa không để tình trạng găm hàng, đẩy giá gây sốt ảo làm mất ổn định thị trường.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố sẽ tập trung tuyên truyền, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường dịp Tết Dương lịch và dịp Tết Nguyên đán 2021 cũng như tình hình dịch Covid-19 để kịp thời điều tiết cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tăng giá đột biến.

Theo đó, thành phố giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi sát thị trường, nắm bắt thông tin về giá cả, hàng hóa, sức mua tại các khu vực trên địa bàn, để chỉ đạo các doanh nghiệp điều tiết đưa hàng về các khu vực thiếu hàng phục vụ nhân dân.

Cụ thể, Sở Tài chính phối hợp với Sở Công thương thường xuyên nắm bắt thông tin giá cả, cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp tết, theo dõi sát tình hình nhập khẩu, tổng hợp tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp về lượng hàng hóa kinh doanh, giá cả, tình hình cung cầu thị trường trong dịp tết để kịp thời có giải pháp điều tiết, ổn định thị trường khi xảy ra biến động.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội rà soát, đánh giá xác định cụ thể cung mặt hàng nông sản, nhất là các mặt hàng có nguy cơ mất cân đối cung cầu do dịch bệnh như thịt lợn, thịt bò, từ đó đánh giá lượng hàng hóa còn thiếu hoặc có thể xảy ra thiếu để triển khai các giải pháp.

"Riêng Sở Công thương Hà Nội sẽ xây dựng quy trình nắm bắt thông tin, kịch bản điều tiết cung cầu khi thị trường xảy ra biến động bất thường và kịch bản trong điều kiện Covid-19 bùng phát trở lạ trong dịp tết để đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân…" - bà Phương Lan nói.

Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch về hàng hóa; bố trí tăng cường quầy thanh toán, tăng cường cán bộ nhân viên phục vụ, tránh tình trạng ùn tắc khi mua sắm, thanh toán…

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam