Hà Nội: Cung ứng đủ hàng hóa trong 15 ngày giãn cách xã hội tiếp theo

19:49 | 06/08/2021 Print
Trong 15 ngày giãn cách xã hội tiếp theo, việc cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn Hà Nội luôn được đảm bảo đầy đủ, giá cả bình ổn, không để thiếu hàng, sốt hàng, không để người dân không mua sắm được hàng hóa thiết yếu.

Hà Nội

Hàng hóa tại các siêu thị đầy đủ, giá cả bình ổn. Ảnh: Khánh Linh

Chiều 6/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17; kế hoạch phòng, chống dịch thời gian tới.

Nhu cầu hàng hóa của người dân Thủ đô vẫn được đảm bảo

Thông tin về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa trong thời điểm giãn cách tại buổi họp báo, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở Công thương đã phối hợp các địa phương tổ chức cung ứng hàng hóa với mức dự trữ gấp 3 lần thông thường, tương đương 194 nghìn tỷ đồng. Đến nay, nhu cầu hàng hóa của người dân Thủ đô đều được đáp ứng đầy đủ, chưa có tình trạng thiếu hàng, chưa có trường hợp người dân không mua được hàng.

Các quận, huyện đều tổ chức phát phiếu đi chợ và người dân Thủ đô đều chấp hành rất nghiêm túc. Các doanh nghiệp cũng phối hợp với địa phương tổ chức bán hàng lưu động khi các điểm bán trên địa bàn bị đóng cửa.

Sở Công thương cũng phối hợp với các địa phương vận động các doanh nghiệp bán hàng không thiết yếu chuyển sang bán hàng thiết yếu nhằm đa dạng hóa các mặt hàng phục vụ người dân. Các nhân viên giao hàng đã được sở tổng hợp danh sách gửi tới Sở Giao thông vận tải để cấp mã hoạt động, đảm bảo cung ứng hàng hóa thuận lợi…

Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tính từ 27/4 đến nay, toàn thành phố có 1.599 ca F0. Đặc biệt, từ 24/7, khi thực hiện giãn cách, Hà Nội ghi nhận hơn 900 ca và trong đó có hơn 500 ca ghi nhận trong cộng đồng. Hiện thành phố đang điều trị 882 ca, lũy tích 1.438 và đã khỏi bệnh 501 ca.

Bên cạnh đó, Sở Công thương kích hoạt thêm 800 điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; đang phối hợp với Bưu điện thành phố Hà Nội để mở thêm 472 điểm nữa và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên để mở thêm các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhân dân. Sở này cũng tiếp tục liên kết đưa về các nguồn hàng, chủ động thay thế các nguồn cung từ các địa phương đang có dịch...

Về việc một số chợ đầu mối và một số cửa hàng Vinmart có F0 nên phải đóng cửa để phòng, chống dịch, quyền Giám đốc Sở Công thương cho hay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo cân đối cung cầu.

“Khẳng định một lần nữa, trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố, việc cung ứng hàng hóa cho người dân đảm bảo đầy đủ, giá cả bình ổn, không để thiếu hàng, sốt hàng, không để người dân không mua sắm được hàng hóa thiết yếu” - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

họp báo
Quang cảnh buổi họp báo chiều 6/8. Ảnh: Linh Phạm

Tiếp tục giãn cách nhằm khoanh vùng, truy vết, cách ly, xử lý các ổ dịch

Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, thời gian tới thành phố cũng tiếp tục thực hiện các công việc xuyên suốt trong phòng, chống dịch, trong đó ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch trong thời gian ngắn nhất; xây dựng các phương án chuẩn bị cho công tác điều trị… Bên cạnh đó, thành phố chủ động, duy trì bảo đảm cung ứng hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và có chỉ đạo cụ thể, cung cấp đầy đủ, không tăng giá hàng hóa… Thành phố cũng chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát nhóm đối tượng bị tác động, gặp khó khăn không thuộc các nhóm trong Nghị quyết 68/NQ-CP để hỗ trợ kịp thời…

Đối với việc tiếp tục thực hiện 15 ngày giãn cách xã hội tới đây, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, việc thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP.Hà Nội đạt được những kết quả khá tích cực song nếu Hà Nội dừng giãn cách trong giai đoạn này thì những thành quả, kết quả khó đảm bảo được. Vì vậy, việc tiếp tục giãn cách nhằm khoanh vùng, truy vết, cách ly, xử lý các ổ dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, trong giai đoạn hiện nay, để tập trung nguồn lực phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, thành phố đã tạm dừng mua sắm trang thiết bị từ nguồn chi thường xuyên của thành phố (trừ thiết bị phòng chống dịch), cắt giảm tổ chức các hội nghị... để đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội...

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, xuyên suốt công tác phòng, chống dịch, thành phố luôn xác định, sự đồng lòng của nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mang tính quyết định thành công hay không thành công. Chính vì thế, từ đồng chí Bí thư Thành ủy đến cả Thành ủy đều thống nhất phải tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, thực chất hơn, sâu sát hơn công tác phòng, chống dịch; trong đó tập trung động viên, khích lệ, đề cao và phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở; vai trò của người dân, tự nguyện, tự giác tham gia công tác phòng, chống dịch.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam