Hà Nội: Người trẻ ngày càng tin tưởng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

10:54 | 06/08/2021 Print
(TBTCVN) - Với những ưu điểm mà chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện mang lại, cùng với sự tích cực tuyên truyền của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội và hệ thống chính quyền, nhiều người dân trẻ tuổi tại Hà Nội đã tin tưởng tham gia và lựa chọn bảo hiểm xã hội tự nguyện là điểm tựa khi về già.

12

Đồ họa: HỒNG VÂN

Mức đóng phù hợp với thu nhập của nhiều người trẻ

Anh Hà Đức Huy sinh năm 1993, cư trú tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được gần 1 năm. Đối với những người trẻ như anh, có nhiều lựa chọn để tham gia các gói bảo hiểm thương mại, nhưng anh vẫn lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện vì những ưu điểm vượt trội. Anh cho biết, bản thân đã được biết về chính sách BHXH tự nguyện và những lợi ích của BHXH tự nguyện từ thời đại học. Đến khi đi làm, do không được tham gia BHXH bắt buộc nên anh đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, với mức đóng gần 650 nghìn đồng/tháng.

“Mức đóng BHXH tự nguyện rất hợp lý với những người như tôi, có thu nhập hàng tháng chưa cao. Với mức đóng này, tôi có thể đóng luôn 1 lần cho cả năm, coi như khoản tiết kiệm về già. Sau này, nếu được tham gia BHXH bắt buộc thì tôi cũng được cộng tiếp thời gian đóng BHXH, như thế có thể yên tâm khi về già có lương hưu.” - anh Huy cho biết.

Hai anh em Trần Minh Hoàng (sinh năm 1996) và Trần Minh Phương (sinh năm 1998) hiện đang cư trú tại phường Kim Liên, quận Đống Đa tham gia BHXH tự nguyện được 1 năm, với mức đóng hơn 400 nghìn đồng/tháng/người. Hai em cho biết, do bố mẹ làm ở cơ quan nhà nước, đã hiểu về tầm quan trọng của chính sách BHXH nên trong lúc hai anh em đang học tiếp và chờ xin việc thì đăng ký tham gia BHXH tự nguyện; nếu sau này xin được công việc ổn định có thể cộng nối thời gian tham gia BHXH, như vậy sẽ sớm đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Vận động người hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia BHXH tự nguyện

Năm 2021, BHXH TP. Hà Nội được giao chỉ tiêu phát triển 85.069 người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến hết tháng 7, toàn thành phố đã phát triển được 53.280 người, tăng 25,33% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0,92% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có nhiều cách làm hay được BHXH TP. Hà Nội và BHXH các quận, huyện triển khai. Tại Ba Vì, để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHXH huyện Ba Vì đã đổi mới phương thức tuyên truyền hội nghị, phương tiện truyền thông kết hợp tuyên truyền trực tiếp. Theo đó, đối với các đơn vị lập danh sách báo giảm lao động chấm dứt hợp đồng, sau khi chốt sổ BHXH cho người lao động, cán bộ BHXH sẽ kẹp trả cùng tờ gấp và phiếu hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện cùng sổ BHXH (đã chốt); đồng thời điện thoại trực tiếp cho người lao động để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cụ thể đăng ký mức đóng, phương thức đóng và quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện.

Đối với các trường hợp không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, cán bộ BHXH sẽ hướng dẫn, vận động tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình để thẻ BHYT không bị gián đoạn. Đối với các đơn vị giảm nhiều lao động, khi tiếp nhận hồ sơ điện tử sau khi thực hiện giảm lao động (theo quy trình), cán bộ BHXH thực hiện chốt sổ và phối hợp với đơn vị trả sổ BHXH và hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện tại đơn vị.

Những sáng kiến trong việc tuyên truyền BHXH tự nguyện đã được BHXH huyện Ba Vì triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả cao. Nhiều người lao động chấm dứt hợp đồng lao động giảm đóng BHXH bắt buộc được chuyển đóng BHXH tự nguyện, không gián đoạn thời gian tham gia, gia tăng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Để thu hút nhiều đối tượng là người trẻ bị mất việc làm do dịch Covid-19 tham gia BHXH tự nguyện, mới đây, BHXH TP. Hà Nội đã có văn bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp giao Trung tâm Việc làm Hà Nội phối hợp Bưu điện TP. Hà Nội, BHXH quận, huyện, thị xã để tuyên truyền vận động người hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời, phối hợp Liên minh các Hợp tác xã phổ biến nội dung về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện trong các hội nghị, tập huấn về Bộ luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động…

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp trong công tác tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, góp phần tăng nhanh diện bao phủ BHXH, BHYT và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội.

BHXH TP. Hà Nội cho biết, trong những thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát, BHXH thành phố đã chủ trì phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, đối thoại ngay tại địa bàn dân cư…

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, được thiết kế các mức đóng, phương thức đóng phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp. Hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ 30% đối với đối tượng là hộ nghèo, 20% đối với đối tượng là hộ cận nghèo, 10% đối với các đối tượng khác. Chính sách BHXH tự nguyện dành cho công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc. Khi tham gia BHXH tự nguyện đủ 20 năm, đến tuổi nghỉ hưu, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng chế độ tử tuất, đặc biệt tiền lương hưu được tăng theo mức tăng chung của Nhà nước.

Dũng Ngọc

Dũng Ngọc

© Thời báo Tài chính Việt Nam