Bài 3: Kiểm soát mua bán qua mạng bằng ứng dụng điện tử

20:10 | 03/08/2021 Print
(TBTCVN) - Không chỉ hoàn thiện chính sách pháp luật đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cũng đang từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nói riêng.

9

Mua bán qua mạng bằng ứng dụng điện tử đang là xu hướng của người tiêu dùng Việt.

Nhiều ứng dụng đang từng bước được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh mới này.

Cần có công cụ giám sát hoạt động mua bán qua mạng

Theo xu hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên thế giới, sẽ có sự chuyển dịch doanh thu nhiều hơn đến từ các giao dịch giữa doanh nghiệp đến người tiêu dùng và giữa các cá nhân với nhau. Tại Việt Nam, điều này cũng không phải ngoại lệ. Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hoá, đồng thời cũng ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang thương mại điện tử để cung cấp hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng.

Cá nhân kinh doanh thương mại
điện tử có thể kê khai thuế qua mạng


Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tất cả các giao dịch điện tử đều để lại dấu vết trên mạng. Do đó, để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin để các cá nhân kinh doanh, bán hàng qua Facebook có thể kê khai thuế qua mạng, giống như cơ quan thuế đang áp dụng đối với doanh nghiệp hiện nay.

“Hiện nay ngành Thuế đã và đang nâng cấp rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. Việc thanh tra, kiểm tra thuế hiện nay được thực hiện bằng phương pháp quản lý rủi ro. Thông qua cơ sở dữ liệu, cơ quan thuế tiến hành rà soát những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, qua đó đưa vào kế hoạch thanh tra thường xuyên và thanh tra chuyên đề về chống chuyển giá và thương mại điện tử” - ông Minh nói.

Đây vừa là một lợi thế của TMĐT, nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức mới cho cơ quan thuế trong việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Cụ thể như, cơ quan thuế cần nắm bắt thông tin đầy đủ, kịp thời về giao dịch TMĐT phát sinh để xác định số thuế phát sinh phải nộp của người nộp thuế có kinh doanh TMĐT. Các thông tin này là không có sẵn, mà phụ thuộc vào tính tuân thủ pháp luật thuế của mỗi tổ chức, cá nhân. Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với kinh doanh TMĐT thời gian qua chưa được đồng bộ, nhịp nhàng, dẫn đến nguồn thông tin cho công tác quản lý thuế chưa đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này.

Do đó nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT thì cần phải có ứng dụng chuyên biệt, hoặc có công cụ giám sát hoạt động kinh doanh qua mạng. Ông Nguyễn Việt Anh - Chủ nhiệm các dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách thuế tại Việt Nam thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, đặc điểm của các giao dịch trên môi trường điện tử là để lại các dấu vết số.

“Để tiếp cận được với khách hàng, các cá nhân, hộ kinh doanh đều phải hiển thị các thông tin cần thiết về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, địa chỉ liên hệ… Do đó, cơ quan quản lý thuế có thể hợp tác với các công ty cung cấp công cụ giám sát hoạt động trên mạng xã hội để xây dựng các công cụ phục vụ công tác quản lý thuế” - ông Việt Anh nói.

Áp dụng kê khai qua mạng để đơn giản hóa thủ tục hành chính

Đề cập đến các giải pháp để quản lý thuế đối với các giao dịch điện tử xuyên biên giới, ông Jonathan Leigh Pemberton - Chuyên gia thuế cấp cao của WB cho rằng, việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT phải đảm bảo công bằng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT. Nghĩa là, cơ quan quản lý nhà nước khi đưa ra các cơ chế chính sách về thuế phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động TMĐT phát triển, không tạo ra những rào cản đối với hoạt động này.

“Để giải quyết vấn đề này, các nước đã đơn giản hóa việc đăng ký, kê khai và nộp thuế. Tất cả các bước này đều được thực hiện qua mạng internet. Đây là một mô hình đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Một thông lệ được coi là tốt nhất hiện nay. Qua nghiên cứu tôi được biết, đây cũng là một định hướng mà Việt Nam đang hướng đến” - ông Jonathan Leigh Pemberton nói.

Một giải pháp khác mà chuyên gia WB đề cập, đó là cần phải tạo ra một cổng thông tin trực tuyến giúp cho các nhà cung ứng nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký, kê khai và nộp thuế trực tuyến. Chuyên gia của WB cho biết, thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu, nghĩa là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, tuy nhiên nhà cung cấp dịch vụ phải nộp thay cho họ và phải kê khai, nộp thuế. Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ ở ngoài Việt Nam, việc khai thuế, nộp thuế phải được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Tổng cục Thuế cho biết, hiện cơ quan này đang xây dựng lộ trình triển khai các hướng dẫn mới được quy định đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, các sàn TMĐT, các tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài nhằm đảm bảo việc thực hiện triển khai nhanh chóng, thuận tiện cho người nộp thuế.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân cho biết, Tổng cục Thuế đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cũng như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đơn giản thủ tục hành chính, phương thức kê khai, nộp thuế đối với người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT, thống nhất đầu mối trong việc khai thuế, nộp thuế.

“Trong thời gian nghiên cứu, hoàn thiện chính sách quản lý, Tổng cục Thuế nghiên cứu, trình Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền triển khai áp dụng một số chính sách mới theo các thông lệ quốc tế trong việc yêu cầu các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam khấu trừ, nộp thay thuế cho các tổ chức, cá nhân có thu nhập hợp tác kinh doanh từ cung cấp dịch vụ nội dung số với các tổ chức này trước khi chi trả thu nhập theo một tỷ lệ phù hợp” - bà Lan Anh chia sẻ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử


Để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, Tổng cục Thuế cần xây dựng cơ sở dữ liệu có kết nối với ngành ngân hàng, viễn thông. Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để cập nhật kịp thời việc kê khai, nộp thuế để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Bên cạnh đó, các giao dịch cần phải được thanh toán thông qua các cổng thanh toán trực tuyến do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Với khuyến cáo này, Tổng cục Thuế cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đối với hoạt động TMĐT; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối với các tổ chức, cá nhân có doanh thu lớn, có rủi ro cao về thuế từ hoạt động TMĐT.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam