Khai thác cát, sỏi gây ô nhiễm phải nộp phí bảo vệ môi trường

09:29 | 11/09/2014 Print
Nếu khai thác cát, sỏi mà thải ra chất thải gây ô nhiễm môi trường thì phải chịu phí bảo vệ môi trường (BVMT). Thông tin trên được Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết tại văn bản hướng dẫn thực hiện thu phí đối với nước thải sau khi khai thác cát.

Liên quan đến việc thực hiện thu phí BVMT đối với doanh nghiệp hút cát, sỏi, trả lời công văn của Cục Kiểm soát ô nhiễm (thuộc Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) về việc “nước phát sinh từ quá trình hút cát, sỏi tại lòng sông, sau khi giữ lại cát, sỏi được xả trở lại môi trường có được coi là nước thải và phải thu phí hay không”, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15/5/2013 của liên Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải thì, nước thải từ “cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản” thuộc đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp.

Như vậy, nước thải từ hoạt động hút cát, sỏi tại lòng sông thuộc đối tượng chịu phí BVMT theo quy định.

Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Nghị định số 25/2013/NĐ và Thông tư Liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 25/2013/NĐ-CP, thì việc tính phí BVMT đối với nước thải được căn cứ vào hàm lượng của 2 chất gây ô nhiễm là nhu cầu oxy hóa (COD) và chất rắn lửng lơ (TSS) thực tế đo được có trong khối lượng nước thải thải ra môi trường.

Theo đó, trường hợp cơ sở hút cát, sỏi tại lòng sông không thải ra các chất gây ô nhiễm môi trường (như trên), thì không phải chịu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo quy định của Nghị định số 25/2013/NĐ-CP.

Trường hợp cơ sở hút cát, sỏi tại lòng sông thải ra các chất gây ô nhiễm môi trường thì phải chịu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo quy định của Nghị định này./.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam