Lộ trình cắt giảm thuế: Cơ hội và thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ

10:43 | 14/05/2014 Print
(TBTCVN) - Đến năm 2015, cơ bản các mặt hàng sẽ được xóa bỏ hàng rào thuế quan, chỉ còn ít dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ đang còn rất yếu và thiếu hiện nay.

Cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến

Tại hội thảo “Đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ - chìa khóa thành công” do Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội phối hợp với Công ty Reed Tradex (Thái Lan) tổ chức, ông Duangdejj Yuaikwarmdee - Phó Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex cho biết, với lộ trình cắt giảm thuế trong những năm tới, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết.

Qua đó sẽ chuyển giao công nghệ, cũng như các bí quyết để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam có thể tiếp cận với những công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đẩy mạnh hơn nữa sản xuất và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Công nghiệp hỗ trợ

Ngành công nghiệp hỗ trợ khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu do quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Ảnh minh họa.

Cũng theo nhiều chuyên gia, việc tham gia ký kết các hiệp định thương mại, cũng như gỡ bỏ hàng rào thuế quan là cơ hội để các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với thị trường thế giới. Sự hội nhập này sẽ đem lại sự thâm nhập tốt hơn tri thức, chất xám của nước ngoài thông qua các công cụ, thiết bị máy móc, cách thức quản lý. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, với sự vào cuộc của các cơ quan thuộc Chính phủ, nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ đã được thực hiện, như ưu đãi về thuế, đất đai, vay vốn ngân hàng… Điều này cho thấy sự quan tâm của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nên tận dụng cơ hội này để đầu tư, mở rộng sản xuất.

Khó tham gia chuỗi cung tứng toàn cầu

Lộ trình cắt giảm thuế: Cơ hội và thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ
Các doanh nghiệp nên đầu tư theo hướng đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến của nước ngoài, sau đó chuyển giao công nghệ đỡ mất thời gian và chi phí... Bà Lê Thị Thu Hằng.

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, xong cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển như mong đợi.

Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa và chỉ ở mức độ gia công, lắp ráp. Điều này khiến cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tụt hậu khá xa so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia...

Cũng theo ông Lộc, đến năm 2018, khi một loạt các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ rời khỏi Việt Nam với lý do trình độ lao động yếu, cơ sở hạ tầng kém, do đó không tham gia được chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

“Đã đến lúc lao động rẻ không còn là lợi thế đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu như chúng ta không chú ý đến việc đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động, phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho ngành công nghiệp hỗ trợ, thì những ưu đãi về thuế, đất đai… cũng không đủ sức thu hút và giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ vài năm nữa thôi, nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ rời khỏi Việt Nam”, ông Lộc nói.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy Hưng Yên cho biết, trình độ nguồn nhân lực đang là bài toán nan giải đối với công ty hiện nay. Lao động của chúng ta hiện nay rất yếu, kể cả công nhân lẫn kỹ sư. Mỗi lần chúng tôi tuyển dụng đều phải đào tạo lại. Điều này chứng tỏ việc đào tạo tại các trường kỹ thuật đang có vấn đề”.

Hiến kế cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, bà Hằng cho rằng: Các doanh nghiệp nên đầu tư theo hướng đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến của nước ngoài, sau đó chuyển giao công nghệ, chứ không nên tập trung vào nghiên cứu sẽ rất mất thời gian, tiền bạc và công sức. Và như vậy sẽ ngày càng tụt hậu so với thế giới.

Lộ trình giảm thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATICA)

-Tính đến năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0%.

-Dự kiến đến năm 2015, sẽ có thêm 1.720 dòng thuế được cắt giảm xuống thuế suất 0%.

-Đến năm 2018, 687 dòng thuế còn lại (tập trung vào các nhóm hàng như ô tô, xe máy, tủ lạnh, máy điều hòa…) thuế suất cũng sẽ về 0%.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam