Doanh nghiệp vi phạm sẽ phải mua hóa đơn từ cơ quan thuế

13:35 | 27/09/2013 Print
Đó là nội dung sửa đổi cơ bản nhất tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đang được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến.

Kinh doanh cà phê là lĩnh vực có nhiều vi phạm về hóa đơn GTGT. ảnh: minh họa từ giacaphe.com

Trong phần quy định về hóa đơn tự in (Điều 6), Dự thảo sửa đổi quy định cá nhân không được tự in hóa đơn.

Các tổ chức được tự in hóa đơn phải có đủ các điều kiện: Đã được cấp mã số thuế; Có doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; Không bị xử phạt về vi phạm pháp luật về thuế (theo mức do Bộ Tài chính quy định) trong 365 ngày liên tục, tính đến ngày thông báo phát hành hóa đơn tự in; Có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ;…

Nghị định bổ sung thêm điều kiện: Có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in và được sự chấp thuận cơ quan thuế.

Cũng tại phần hóa đơn tự in, Dự thảo bổ sung một số điểm (vào điều 6). Cụ thể:

Đối với DN có dấu hiệu vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn, có rủi ro, Bộ Tài chính được giao hướng dẫn phuơng thức giám sát, quản lý nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật về hóa đơn.

DN đang sử dụng hóa đơn tự in có vi phạm về hóa đơn dẫn đến thiếu thuế sẽ không được sử dụng hóa đơn tự in, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn có hiệu lực. Những DN này phải mua hóa đơn của cơ quan thuế (Khoản 2 Điều 10 Nghị định này). Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản này.

Đối với cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ sử dụng máy tính tiền để bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, Chính phủ giao Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn phuơng thức giám sát, quản lý dể thực hiện đúng quy định của pháp luật về hóa đơn nhằm quản lý doanh thu thực.

Đối với loại hóa đơn đặt in (Điều 8), tương tự như đối với hóa đơn tự in, các cá nhân cũng không được thực hiện đặt in.

Sửa đổi, bổ sung (khoản 2) cho rõ hơn, là: Tổ chức có hoạt động kinh doanh, DN có mã số thuế được đặt in hóa đơn để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, có bổ sung: trừ hộ, cá nhân kinh doanh và các DN được in hóa đơn tự in nhưng có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm (hoặc rủi ro) về hóa đơn.

Tương tự như đối với hóa đơn tự in, dự thảo bổ sung, trước khi đặt in hóa đơn lần đầu, tổ chức kinh doanh, DN phải đăng ký sử dụng hoá đơn đặt in và có văn bản chấp thuận của cơ quan thuế.

Và, DN đang đặt in hoá đơn có hành vi vi phạm về hóa đơn dẫn đến thiếu thuế cũng không được sử dụng hóa đơn tự in (kể từ ngày quyết định xử phạt vi có hiệu lực). Những đối tượng này phải thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế (theo Khoản 2 Điều 10).

Để phù hợp với các quy định sửa đổi, bổ sung nêu trên, Dự thảo nghị định cũng tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định về việc cơ quan thuế bán, cấp hóa đơn cho các tổ chức, DN (tại khoản 2 Điều 10):

Ngoài việc hóa đơn do các cục thuế đặt in được bán cho tổ chức không phải là DN nhưng có hoạt động kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có cơ sở tại địa phương, dự thảo bổ sung thêm: các đối tượng không được đặt in, tự in hoá đơn quy định trong các trường hợp DN, tổ chức có kinh doanh vi phạm về hóa đơn (như đã nêu ở phần trên).

Một phần nữa trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 51 là sửa đổi điều kiện và trách nhiệm của tổ chức nhận in hoá đơn (Điều 22). Dự thảo loại bỏ hoàn toàn các nội dung tại điều này và sẽ có quy định hướng dẫn cụ thể trong thông tư hướng dẫn riêng.

Dự kiến, nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014.

Vũ Long

Vũ Long

© Thời báo Tài chính Việt Nam