Giảm thuế để giảm giá thức ăn chăn nuôi

17:08 | 19/07/2021 Print
Từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu chính như ngô, lúa mỳ liên tục tăng cao với mức tăng trung bình từ 30 - 35%. Để góp phần giảm giá mặt hàng quan trọng là đầu vào của sản xuất nông nghiệp, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với 2 mặt hàng này.

thức ăn chăn nuôi

Giá nguyên liệu tăng cao, khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng đáng kể thời gian qua. Ảnh: TL.

Hơn 50% trang trại lớn treo chuồng do giá thức ăn cao

Từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu chính như ngô, lúa mỳ liên tục tăng cao với mức tăng trung bình từ 30 - 35%. Việc tăng giá nguyên liệu chủ yếu do dịch Covid-19 tác động tới logistics toàn cầu kéo theo việc tăng giá mạnh cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa. Bên cạnh đó, do sản xuất đang hồi phục ở nhiều quốc gia nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản gần đây đã tăng kỷ lục. Tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng đang có những ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng.

Giá nguyên liệu tăng kéo theo giá thức ăn chăn nuôi trong quý I/2021 tăng đáng kể so với quý IV/2020 và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, khoảng 45 - 50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70 - 75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm trong quý IV.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất nhưng lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu cần tới 27 triệu tấn nên 70-80% nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi còn lại phải nhập khẩu, nhất là các mặt hàng ngô, lúa mỳ, đỗ tương.

Thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của một số bộ, ngành, hiệp hội và một số đối tác thương mại với Việt Nam đề nghị giảm thuế các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để góp phần hạ giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Qua rà soát các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, Bộ Tài chính thấy rằng mặt hàng ngô hạt và lúa mỳ là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong thành phần thức ăn chăn nuôi hiện đang có thuế nhập khẩu trên mức 0%. Trong đó, ngô có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 5%, lúa mỳ có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 3%; các nguyên liệu khác cơ bản ở mức 0%.

Giảm thuế là cách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Để góp phần giảm giá thành đầu vào sản xuất trong nước không chỉ đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mà còn các ngành sản xuất khác, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP và 63/NQ-CP, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ và ngô.

Cụ thể: Đối với mặt hàng lúa mỳ, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ, mã HS 1001.99.99 từ 3% xuống 0%. Đối với mặt hàng ngô, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô, mã HS 1005.90.90 từ 5% xuống 3%.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng ngô nhìn chung sẽ không tác động lớn đến ngành nông nghiệp trong nước do trong nước chưa trồng được lúa mỳ và mặt hàng ngô trồng trong nước cơ bản cũng chỉ phục vụ cho người.

Bên cạnh góp phần bình ổn giá, giảm giá thành đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN theo phương án dự kiến còn góp phần giảm giá cho ngành sản xuất khác như bánh kẹo, thực phẩm. Qua đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các ngành này vượt qua khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao hiện nay; đồng thời, góp phần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác thương mại quan trọng của nước ta.

Trả lời báo chí, ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong lúc khó khăn như hiện nay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng lúa mỳ từ 3% xuống 0%, và ngô từ 5% xuống còn 3% đấy là rất tốt và là cách làm thiết thực nhất. Trên thực tế, việc giảm thuế đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là cách làm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Việt Nam là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi thuộc nhóm đầu của các nước Đông Nam Á nhưng lại không chủ động được nguồn nguyên liệu nên phải phụ thuộc vào nước ngoài tới hơn 80%.

Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nông dân chịu hậu quả nặng nề nhất, đặc biệt là người chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc giảm thuế, cần có giải pháp giảm chi phí nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng các chính sách thương mại và nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất nhập khẩu kinh doanh nguyên liệu…/.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam