Tăng hiệu quả quản lý, ưu tiên nhiệm vụ chi cấp bách

10:36 | 16/07/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Những tháng đầu năm 2021, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19.

8

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2021, trong đó công tác điều hành thu, chi ngân sách chịu nhiều tác động đáng kể. Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

PV: Xin ông cho biết một số đánh giá, nhận định về kết quả điều hành thu, chi ngân sách qua 6 tháng đầu năm 2021?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Những tháng đầu năm 2021, mặc dù trải qua 2 đợt dịch diễn ra vào hai thời điểm nhạy cảm nhất về kinh tế là dịp tết và hè, nhưng nền kinh tế tiếp tục khởi sắc trên đà phục hồi từ cuối năm 2020. Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là các giải pháp về miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí.

pv8
GS.TS Hoàng Văn Cường

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 đạt 58,2%, tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thu nội địa, đạt trên 56%, tăng khoảng 14%. Một số ngành như sản xuất bia, sản xuất, lắp ráp ô tô, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, bất động sản,... tăng trưởng mạnh, góp phần giúp số thu NSNN 6 tháng đầu năm vẫn tăng 16,3% so cùng kỳ năm 2020 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Về chi, đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi để chủ động đảm bảo nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng và công tác phòng chống dịch Covid-19. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân; đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử.

Tuy nhiên, tình hình ngân sách 6 tháng qua cũng cho thấy còn những hạn chế, khó khăn, cả do khách quan và chủ quan, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể để khắc phục.

PV: Theo ông, đâu là những vấn đề khó khăn, thách thức cần được lưu ý trong công tác điều hành ngân sách hiện nay?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Nhìn vào báo cáo chi tiết của Chính phủ, có thể thấy mặc dù tổng thể tiến độ thu NSNN đạt khá, song một số khoản thu đạt rất thấp. Chẳng hạn như thu từ hoạt động sắp xếp lại DNNN hiện rất khó khăn, ngân sách địa phương mới phát sinh thu 130 tỷ đồng, ngân sách trung ương chưa thu được gì trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng dự toán. Chậm tiến độ cổ phần hóa, sắp xếp DNNN là vấn đề đã kéo dài 4 - 5 năm qua nhưng chưa có giải pháp mạnh để đẩy nhanh thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Trung ương.

Do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, địa phương bắt đầu khó khăn, cộng thêm việc triển khai gia hạn một số khoản thuế, tiền thuê đất nên số thu nội địa sẽ giảm trong những tháng tới. Cũng do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, tình hình nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng, nợ thuế có khả năng thu đã tăng 16% so với cuối năm 2020.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm chậm hơn cùng kỳ, mới đạt 29% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2020 đạt hơn 33%). Giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch. Như vậy, nguồn vốn đầu tư chưa phát huy động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo, tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ vẫn còn khoảng 12% kế hoạch. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, như vậy không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021. Tình trạng này, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh thì phải nói nguyên nhân chính nhiều năm chưa được khắc phục là do những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành và địa phương.

PV: Trước tình hình như vậy, ông có đề xuất, kiến nghị gì về các giải pháp điều hành thu - chi ngân sách trong những tháng còn lại của năm 2021?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Dịch Covid-19 còn diễn biến rất khó lường trong thời gian tới. Tôi cho rằng, chúng ta cần tăng cường công tác dự báo, bổ sung các số liệu ước thực hiện của cả năm và có cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm thu NSNN, mức trần nợ công, từ đó có biện pháp điều hành thu - chi NSNN kịp thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo mức trần nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.

Căn cứ diễn biến thực tế của tình hình dịch Covid-19, Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ hoặc giải pháp cụ thể để tạo cơ sở tăng thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ chi, thu hồi các khoản chi chưa thực sự cần thiết, ưu tiên cho những nhiệm vụ cấp bách, nhất là các khoản chi cho công tác phòng chống dịch, mua đủ lượng vắc-xin để hướng tới mục tiêu "miễn dịch cộng đồng" nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

Bên cạnh đó, cần tập trung cao độ cho công tác hoàn thiện thể chế, bảo đảm thời hạn trình các cấp có thẩm quyền theo quy định, trước hết là tiêu chuẩn, định mức chi thường xuyên nguồn NSNN giai đoạn 2022-2025; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết NSNN đối với các cấp chính quyền; tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Đối với việc quản lý thuế, Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục có biện pháp quyết liệt để xử lý nghiêm và ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế, chống tình trạng chuyển giá. Đồng thời, sớm có biện pháp hữu hiệu để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài…

Về đầu tư công, Chính phủ cần chỉ đạo rút kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc, khẩn trương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, sửa đổi cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ đó hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, các Nghị quyết của Quốc hội trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển; kịp thời điều chuyển vốn đầu tư công để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này; khắc phục tình trạng chuyển nguồn quá lớn, trả lại vốn đầu tư công và sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ chi


Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, trong điều kiện thực hiện "mục tiêu kép", kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm cho thấy sự cố gắng, nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ hoặc giải pháp cụ thể để tạo cơ sở tăng thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ chi, thu hồi các khoản chi chưa thực sự cần thiết, ưu tiên cho những nhiệm vụ cấp bách, nhất là các khoản chi cho công tác phòng chống dịch, mua đủ lượng vắc-xin để hướng tới mục tiêu "miễn dịch cộng đồng" nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và dịch vụ…

(Bài tuyên truyền thực hiện theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Yến (thực hiện)

Hoàng Yến (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam