Nhận diện khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc từng dự án đầu tư công

21:43 | 14/07/2021 Print
Với việc phân bổ vốn kịp thời, điều hòa vốn linh hoạt và cùng các chủ đầu tư, dự án nhận diện khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc đối với từng dự án đầu tư công nên nửa đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ cao.

Bộ NN&PTNT

Hồ chứa nước Bản Lải (Lạng Sơn) là một trong những công trình trọng điểm, là dự án chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Khánh Linh

Ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng Công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCO về tình hình thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của ngành NN&PTNT.

* PV: Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, tuy nhiên, nửa đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công ngành NN&PTNT đạt hơn 36%. Đây là tỷ lệ giải ngân cao thuộc nhóm cao của các bộ, ngành trong bối cảnh hiện nay. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để đạt kết quả này?

- Ông Nguyễn Hải Thanh: Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ NN&PTNT được giao là 9.846 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 7.000 tỷ đồng, vốn ODA 2.845 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2021, Bộ đã giải ngân đạt 3.621 tỷ đồng, bằng 37% - cao hơn so với mức đạt 32% của cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết các dự án đều thực hiện giải ngân đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Đây là cơ sở để hoàn thành đưa vào sử dụng từng dự án đúng tiến độ đã duyệt, cũng là tỷ lệ giải ngân cao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời là kết quả của việc quyết liệt và chủ động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, thậm chí từ cuối tháng 12/2020.

Kinh nghiệm đầu tiên là công tác kế hoạch và giao vốn kế hoạch được thực hiện ngay, lập kế hoạch cam kết giải ngân cho từng dự án, từng chủ đầu tư. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phân bổ vốn đúng quy định; đồng thời giao kế hoạch sớm để các đơn vị chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch.

Bộ NN&PTNT đã phân bổ 100% nguồn vốn đầu tư công và giao vốn đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập phần mềm TABMIS của kho bạc nhà nước để các chủ đầu tư chủ động triển khai, đó cũng là cơ sở để các đơn vị đôn đốc giải ngân.

Sau khi giao vốn, Bộ NN&PTNT yêu cầu từng chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng và cam kết thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch. Hàng tháng, nếu chủ đầu tư nào không đạt cam cam kết thì chúng tôi có văn bản nhắc nhở, đôn đốc tới từng đơn vị.

Ông Nguyễn Hải Thanh

Ông Nguyễn Hải Thanh

Đáng chú ý, trong quá trình lập kế hoạch thực hiện, chúng tôi rà soát lại từng dự án, qua đó sẽ nhận diện rõ khó khăn, vướng mắc và giải quyết kịp thời những khó khăn, thắc mắc của chủ đầu tư, nhà thầu. Đồng thời, dự báo những khó khăn sẽ xảy ra và chủ động xử lý chứ không chờ vướng mắc xảy ra rồi mới tháo gỡ.

Trước tác động do dịch bệnh gây ra như không thể di chuyển để kiểm tra, thị sát các công trình thường xuyên, chúng tôi tổ chức họp trực tuyến từ Bộ NN&PTNT tới công trường xây dựng, xử lý kịp thời các vướng mắc tại hiện trường, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các địa phương.

Ngoài ra, chúng tôi điều hòa vốn linh hoạt, chuyển vốn từ những dự án giải ngân chậm sang những dự án có khả năng giải ngân tốt.

* PV: Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành hiện nay là giá thép xây dựng đồng loạt tăng 30-40% so với cuối năm 2020, đẩy các nhà thầu xây dựng vào tình cảnh đội chi phí rất lớn; vốn ODA có nhiều vướng mắc về quy trình thủ tục. Bộ NN&PTNT có gặp khó khăn gì trong vấn đề này và hướng xử lý như thế nào?

- Ông Nguyễn Hải Thanh: Thực tế, có một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến giải ngân chậm.

Đối với các dự án vốn ngân sách trung ương, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu. Hai dự án có khối lượng GPMB lớn, địa phương triển khai không kịp tiến độ xây dựng (Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình và hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắc Lắc). Riêng dự án hồ Cánh Tạng còn có phát sinh kinh phí GPMB nhưng tỉnh Hòa Bình chưa bố trí được kinh phí theo cam kết.

Đối với dự án ODA, theo quy định của Chỉ thị số 18/CT-TTg 29/6/2019 và Nghị định 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ không cho sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên và chi trả thuế VAT, vì vậy các dự án ký trước ngày các văn bản trên có hiệu lực Bộ NN&PTNT phải tiến hành rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng như hiệp định vay, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện và giải ngân.

Ngoài ra, do tác động đại dịch Covid-19, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia tư vấn, nhà thầu nước ngoài một số dự án bị gián đoạn hoặc không huy động được dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thực hiện.

* PV: Được biết, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến 30/9 phải giải ngân đạt tối thiểu 60%, phấn đấu giải ngân cả năm đạt 95 - 100% vốn trong nước và 90% vốn nước ngoài. Vậy, Bộ NN&PTNT thực hiện giải pháp gì để đạt mục tiêu này, thưa ông?

- Ông Nguyễn Hải Thanh: Để đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục quyết liệt thực hiện những giải pháp đã làm ngay từ đầu năm 2021, sát sao từng chủ đầu tư từng dự án, từng tháng, thậm chí từng hạng mục. Điều chỉnh linh hoạt, kịp thời vốn kế hoạch giữa các dự án đảm bảo đáp ứng khả năng giải ngân cao nhất của từng dự án.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hồ sơ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đối với dự án ODA để giải quyết vướng mắc về thanh toán thuế. Các chủ đầu tư, cục vụ làm việc với nhà tài trợ xử lý các vướng mắc tại một số dự án ODA như rút gọn thời gian lựa chọn nhà thầu, hủy bỏ điều khoản ràng buộc tư vấn quốc tế phê duyệt rút đơn rút vốn trước khi gửi nhà tài trợ thì dự án mới được giải ngân.

Bộ cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công, kèm theo đó khen thưởng đơn vị giải ngân hết hoặc vượt kế hoạch được giao, xử lý tốt vướng mắc, khó khăn, quyết liệt triển khai dự án. Đồng thời phê bình các đơn vị yếu kém, không đạt tiến độ giải ngân được giao khi đã được hỗ trợ, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn.

Song song đó, hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, đối thoại về chế độ chính sách bồi thường của nhà nước để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình thực hiện…/.

* PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về thanh toán thuế VAT theo hướng tiếp tục cho phép sử dựng vốn nước ngoài để thanh toán thuế đối với các dự án có hiệp định ký trước thời điểm Nghị định 56/2000/NĐ-CP có hiệu lực. Bộ Xây dựng có giải pháp tháo gỡ về việc tăng giá đột biến vật liệu xây dựng trong thời gian qua để có thể điều chỉnh hợp đồng, bù giá vật liệu theo giá thời điểm hiện hành.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam