Thực hiện vốn đầu tư phát triển: Vẫn có nhiều vấn đề cần cảnh báo

14:21 | 14/07/2021 Print
(TBTCVN) - Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng lên và đạt được kết quả tích cực, đồng thời cũng có một số vấn đề cần cảnh báo.

9

Biểu đồ: HỒNG VÂN

Cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo hướng tích cực

Nhìn vào các chỉ số thống kê cho thấy, tỷ trọng và tốc độ tăng các nguồn vốn đầu tư phát triển trong 6 tháng đầu năm 2021 khá tích cực, được biểu hiện ở một số điểm chủ yếu.

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vẫn tăng lên, ở cả ba nguồn là một kết quả tương đối đồng bộ. Đồng thời, cơ cấu các nguồn vốn có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Khu vực ngoài nhà nước tăng cao nhất, nên tỷ trọng trong tổng số đã tăng từ 56,3% lên 56,4% và chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nguồn.

Riêng khối doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1%, trong khi số vốn đăng ký lên đến 942,6 nghìn tỷ đồng, tăng tới 34,3%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng thấp nhất, nên tỷ trọng cao nhất trong tổng số đã bị giảm nhẹ (từ 18,4% xuống 18,3%). Khu vực Nhà nước có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chung, nên tỷ trọng trong tổng số đã tăng nhẹ (25,2% lên 25,3%).

Trong khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất (64,9%), tăng khá (10,2%). Đó là sự cố gắng trong điều kiện đại dịch Covid-19, một mặt góp phần thực hiện vốn đầu tư, tạo thành các công trình trọng điểm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; mặt khác tạo thành nguồn vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác.

Đáng chú ý trong số đó, một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố có tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm cao hơn tỷ lệ thực hiện chung như: Bộ Xây dựng (42,9%), Bộ Giao thông vận tải (38,2%); Thanh Hóa (50,1%), Nam Định (48,3%), Lào Cai (47,7%), Thái Bình (46,1%), Quảng Nam (45,4%), Đà Nẵng (45,3%), Quảng Ninh (44,2%), An Giang (42,7%), Bà Rịa - Vũng Tàu (41,6%), Quảng Ngãi (39,4%), Hà Nội (38,3%), Vĩnh Phúc (36,4%), Kiên Giang (36,2%),…

Cùng với đó, hiệu quả đầu tư có bước cải thiện so với cùng kỳ và cả năm 2021. Suất đầu tư tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 5,1 lần, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (khoảng 10 lần), nhờ tăng trưởng GDP cao hơn (5,46% so với 1,81%). Đây là tín hiệu khả quan để suất đầu tư tăng trưởng trong cả năm 2021 sẽ xuống dưới 5 lần - tương đương với các con số từ 2019 trở về trước.

Tốc độ tăng thấp làm giảm nhịp tăng của GDP

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan trong thực hiện vốn đầu tư xã hội nửa đầu năm, nhưng trong đó, vẫn có nhiều vấn đề cần cảnh báo.

Không khó để nhận thấy, 7,2% là tốc độ tăng theo giá thực tế, nếu loại trừ yếu tố tăng giá (giá tiêu dùng sau 6 tháng tăng 1,62%, bình quân 6 tháng tăng 1,47%, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,79%, giá vận tải, kho bãi tăng 0,21%, giá sản xuất tăng 4,23%,…), thì tốc độ tăng của vốn đầu tư phát triển không cao hơn, tốc độ tăng GDP theo giá so sánh và thấp hơn tốc độ tăng GDP theo giá thực tế (tăng khoảng 10,7%).

Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP chỉ đạt 29,2% - thấp xa so với tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ cũng như cả năm từ năm 2019 trở về trước (thường trên dưới 33%, có những năm lên tới trên 39%). Đây là một trong những yếu tố làm cho tốc độ tăng GDP trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,64% - thấp hơn so với mục tiêu cả năm, làm cho nhiệm vụ thực hiện mục tiêu trong 6 tháng cuối năm khá nặng nề.

Vốn đầu tư phát triển/GDP đạt thấp do nhiều yếu tố. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố còn đạt thấp so với kế hoạch năm, như Bộ Y tế (22,3%), Bộ Thông tin và Truyền thông (23,4%), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (26,6%), Bộ Công thương (27,8%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (29,1%), Bộ Khoa học và Công nghệ (29,5%); Đồng Nai (26,4%), Hải Phòng (27,7%), Hà Tĩnh (30,2%), Bình Dương (30,6%),… Chi ngân sách cho đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, mới chỉ đạt 28,1% dự toán năm, thấp xa so với tỷ lệ tương ứng của chi thường xuyên (48,3%), chi trả nợ lãi (51,6%).

Số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường nhiều và tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với tổng số 70.209 doanh nghiệp, tăng 24,9%, hay tăng 13.999 doanh nghiệp. Diễn biến trên làm cho số doanh nghiệp đang hoạt động tăng thêm trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 23.014 doanh nghiệp, thấp hơn con số tương ứng của cùng kỳ năm trước (31.036 doanh nghiệp).

Cùng với các yếu tố đầu vào là các yếu tố về đầu ra đã hạn chế đầu tư, đó là tiêu dùng cuối cùng tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP (tăng 3,56% so với tăng 5,64%). Trong đó tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tuy tính theo giá thực tế tăng 4,9%, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì theo Tổng cục Thống kê tăng 3,55%.

Tốc độ tăng tích lũy tài sản tuy cao hơn tốc độ tăng GDP (tăng 5,67% so với tăng 5,64%), nhưng có một phần quan trọng đưa vào dự trữ (mà không đầu tư); có một phần quan trọng là để mua nguyên nhiên vật liệu để tránh bị “đứt gãy” như cùng kỳ năm trước, để đề phòng giá nhập khẩu còn tiếp tục tăng cao nữa; một phần không nhỏ khác đã được “chôn” vào vàng, bất động sản, chứng khoán,…

Số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường nhiều và tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với tổng số 70.209 doanh nghiệp, tăng 24,9%, hay tăng 13.999 doanh nghiệp. Diễn biến trên làm cho số doanh nghiệp đang hoạt động tăng thêm trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 23.014 doanh nghiệp, thấp hơn con số tương ứng của cùng kỳ năm trước (31.036 doanh nghiệp).

Phương Dung

Phương Dung

© Thời báo Tài chính Việt Nam