Ngành Kho bạc Nhà nước cần làm tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm

12:39 | 14/07/2021 Print
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Kho bạc Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Kho bạc Nhà nước (KBNN) cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Thứ trưởng Tuấn

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: T.H

4 nhiệm vụ trọng tâm

Trên cơ sở kết luận 11 nhiệm vụ trọng tâm của KBNN trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã nhấn mạnh đến 4 nhiệm vụ trọng tâm mà toàn hệ thống KBNN cần phải đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Cụ thể:

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tăng cường công tác quản lý ngân quỹ, kiểm soát chi để nâng cao hiệu quả phòng chống rủi ro với ngân sách nhà nước.

"Trọng tâm của nhiệm vụ này là tăng cường quản lý ngân quỹ với 2 nghiệp vụ. Thứ nhất, KBNN phải xác định rõ việc huy động trái phiếu chính phủ từ nay trở đi cho bù đắp bội chi và cho trả nợ với nguyên tắc đảm bảo phát hành trái phiếu đầy đủ kịp thời để trả các khoản nợ trong nước và ngoài nước được Quốc hội giao. Thứ 2 là chỉ phát hành trái phiếu chính phủ bù đắp bội chi căn cứ vào nhiệm vụ thu ngân sách và nhiệm vụ giải ngân vốn" - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn giao Tổng giám đốc KBNN ngay trong tháng 8/2021 phải xây dựng quy chế, chế độ trách nhiệm, quy trình nghiệp vụ để đến tháng 9/2021 có thể thực hiện đấu giá trái phiếu chính phủ theo phương thức đơn giản và đa dạng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu KBNN phải nhanh chóng giải quyết những tồn tại của các quỹ nhà nước ngoài ngân sách. Để thực hiện nhiệm vụ này, KBNN phải trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ xây dựng nghị định quy định nguyên tắc, yêu cầu các nội dung cơ bản về thẩm quyền quyết định việc thu chi các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai được Thứ trưởng nhấn mạnh là thực hiện cải cách, hiện đại hoá. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu thời gian tới, toàn hệ thống KBNN phải tăng cường hiện đại hoá thủ tục hành chính trong các quy trình nghiệp vụ, tránh gây phiền hà cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng giao nhiệm vụ cho KBNN nghiên cứu xây dung đề án về không sử dụng tiền mặt. “Hiện nay, khoảng dưới 1% thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN. So với tổng thu ngân sách nhà nước thì con số này vẫn là khá lớn” - Thứ trưởng nói.

Hệ thống KBNN sẽ phải tiếp tục tìm các giải pháp phối hợp thu nhằm tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, hoàn thành cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; đồng thời tham mưu với các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba của KBNN là tìm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ huy động vốn và tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách và quản lý nợ công.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ tư là KBNN phải sớm hoàn thiện, trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 ngay trong năm 2021 để làm cơ sở cho việc định hướng, phát triển hệ thống KBNN trong giai đoạn tới. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến việc KBNN phải chú trọng 2 nội dung về quản lý ngân quỹ nhà nước và về kế toán, kiểm toán, quyết toán, trong xây dựng chiến lươc.

Ngoài việc nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm như trên, Thứ trưởng cũng yêu cầu KBNN phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để sớm hình thành “Kho bạc 3 không”.

"Những nhiệm vụ trên phải được cụ thể hoá bằng chỉ thị rõ ràng về mục tiêu, quan điểm, giải pháp, yêu cầu" - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nâng cao vai trò chủ động của ngân sách địa phương

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đề nghị KBNN bổ sung và làm sâu sắc thêm 2 nội dung, đó là nâng cao vai trò chủ động, chủ đạo của ngân sách các cấp chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia và tăng cường quản lý nợ công.

"Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, nhất trí cùng với sự nỗ lực phấn đấu của mỗi công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống KBNN, nhất định các đồng chí sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng giao phó" - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Đức Chi phát biểu cho biết, hệ thống KBNN sẽ thảo luận để bàn các giải pháp cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo.

Theo đó, toàn hệ thống KBNN sẽ chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách theo đúng kế hoạch của Bộ Tài chính đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng và khả thi, đặc biệt là một số đề án quan trọng như: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và Báo cáo tài chính nhà nước năm 2019; Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030; quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN; 5 thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính; Báo cáo tiền khả thi Dự án xây dựng Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số để hướng tới hình thành kho bạc số.

"KBNN xin hứa sẽ giữ vững truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài chính giao phó" - Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Đức Chi nói.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam