Xuất cứu trợ, hỗ trợ kịp thời hàng dự trữ quốc gia

09:33 | 07/07/2021 Print
(TBTCVN) - Cùng với sự phát triển của ngành Dự trữ nhà nước (DTNN), thời gian qua, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã có những bước tiến quan trọng, thực hiện tốt chức năng trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia và quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia trên địa bàn.

8

Kiểm tra công tác bảo quản gạo DTQG nhập kho năm 2021 tại chi cục DTNN Lâm Đồng.

Đảm bảo chất lượng hàng dự trữ

Là đơn vị trực thuộc Tổng cục DTNN, đứng chân trên địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, mặc dù địa bàn quản lý rộng, gặp không ít khó khăn, song, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy chế của ngành, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thời gian qua, hoạt động dự trữ quốc gia (DTQG) đã được triển khai tốt trên địa bàn góp phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững, bảo đảm ổn định chính trị - kinh tế - xã hội ở địa phương. Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã tích cực, chủ động mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG theo kế hoạch được giao, xây dựng phương án giá mua, bán theo quy định. Cùng với việc tăng lượng hàng dự trữ quốc gia nhập kho hàng năm thì công tác bảo đảm an toàn, chất lượng hàng dự trữ quốc gia nhập kho cũng không ngừng được nâng cao, đơn vị thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn do Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính quy định. Do đó, hàng dự trữ quốc gia khi được giao đến người thụ hưởng luôn được kịp thời, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã thực hiện xuất hàng DTQG để cứu trợ, cứu nạn, hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách theo quyết định của cấp có thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, đầy đủ số lượng, chất lượng và hiệu quả. Mỗi năm, Cục đã kịp thời xuất cấp hàng nghìn tấn lương thực, hàng trăm nhà bạt, áo phao cứu sinh… bảo đảm chất lượng, đúng đối tượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ học sinh, hộ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trong những hoàn cảnh đột xuất, cấp bách và khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thiếu đói xảy ra.

Ứng cứu kịp thời trong mọi hoàn cảnh

Mỗi nhiệm vụ cứu trợ đều đặt ra yêu cầu phải ứng cứu kịp thời trong điều kiện đột xuất, hoàn cành bất thuận… Song, trong hoàn cảnh đó, tập thể cán bộ, công chức của Cục luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh để đưa hàng cứu trợ đến tận tay người dân lúc cần.

Điển hình là năm 2020, chưa bao giờ, trong cùng một thời điểm mà người dân ở Đắk Lắk lại phải đối mặt với hai loại dịch bệnh nguy hiểm là dịch Covid-19 và dịch bạch hầu, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Giữa khó khăn đan xen, thách thức lớn đặt ra, trong khoảng thời gian này, cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của địa phương, Cục đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, nêu cao tình thần tận tình phục vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong ngành và ghi dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, năm 2020, Cục đã thực hiện xuất cấp gần 1.830 tấn gạo DTQG kịp thời đưa hàng cứu trợ với người dân, góp phần giải quyết những khó khăn, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, khẳng định chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Chính phủ.

Đặc biệt, với đặc thù khu vực Tây Nguyên, công tác xuất cấp gạo DTQG để hỗ trợ cho người dân thời điểm giáp hạt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mùa giáp hạt năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc sống của nhiều người dân, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông vốn đã khó khăn lại càng thêm khó. Với người dân nghèo, mỗi cân gạo cứu đói được cấp phát kịp thời đến tận tay như động lực giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống, thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của Đảng, Nhà nước, tạo nguồn động viên để họ vươn lên trong cuộc sống. Đây được coi là “phao cứu sinh” của không ít gia đình. Thời gian này, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã khẩn trương xuất cấp 1.138,410 tấn gạo hỗ trợ cho các hộ có nguy cơ thiếu ăn, bảo đảm về chủng loại, đủ về số lượng, chất lượng, đúng chế độ, chính sách và đúng đối tượng.

Là một trong những người đến nhận gạo hỗ trợ cứu đói, bà Nguyễn Thị Mạo (thôn Nghĩa Tân, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Đất sản xuất ít, con lại bị khuyết tật nên thu nhập duy nhất từ công việc làm làm thuê của bà không thể đủ để trang trải, lo toan cuộc sống cho cả gia đình. Cuộc sống vốn khó khăn nay càng thêm bao âu lo khi việc làm bấp bênh do dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, khi được nhận nguồn gạo cứu đói mà Nhà nước hỗ trợ, bà Mạo cảm thấy gánh nặng như được san sẻ.

Tại địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, từ năm 2020 đến nay, Cục đã xuất cấp gần 10.000 tấn gạo DTQG, xuất cấp 47 bộ vật tư, thiết bị cứu nạn, cứu hộ như thiết bị chữa cháy rừng, máy phát điện, nhà bạt cứu sinh các loại. Nguồn lực DTQG được sử dụng, phát huy có hiệu quả trong việc hỗ trợ cho nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tạo được sự tin tưởng, đánh giá cao của nhân dân trên địa bàn. Qua đó, đã phát huy vai trò của DTNN trong tình hình mới, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình, góp phần tham gia bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp thiết khác của Nhà nước.

Chủ động dự báo tình hình, rà soát, đề xuất nhu cầu về hàng dự trữ

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, theo ông Nguyễn Nam Thắng, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chủ động dự báo tình hình, rà soát, đề xuất nhu cầu về lương thực, vật tư cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời cho người dân thời điểm giáp hạt. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tấn Hùng

Tấn Hùng

© Thời báo Tài chính Việt Nam