Lạm phát thấp do tổng cầu yếu không hẳn là điều mừng

16:18 | 04/07/2021 Print
(TBTCVN) - Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, việc kiểm soát CPI bình quân cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền cho việc kiểm soát lạm phát năm 2022.

cpi

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Theo các chuyên gia kinh tế, CPI năm nay hoàn toàn có thể thấp hơn mục tiêu. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, việc kiểm soát CPI bình quân cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền cho việc kiểm soát lạm phát năm 2022.

Sáng 2/7, Viện Kinh tế Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021. Đây là hội thảo được tổ chức vào thời điểm giữa và cuối năm, là dịp các chuyên gia có thể trao đổi thẳng thắn, có căn cứ khoa học và thực tiễn về những vấn đề có liên quan đến thị trường giá cả, đóng góp cho công tác điều hành của cơ quan quản lý.

CPI bình quân 6 tháng thấp nhất 5 năm qua

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định, mặt bằng giá diễn biến 6 tháng đầu năm theo hướng tăng cao theo quy luật vào dịp lễ, tết và giảm dần trở lại mức bình thường trong các tháng 3 và 4 trước khi tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và 6.

Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, việc lạm phát duy trì mức thấp nửa đầu năm, là điều kiện thuận lợi để tạo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm đạt mục tiêu. Song cũng không vì thế mà chủ quan, vì áp lực lạm phát tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Mặc dù đang ở mức thấp song CPI đang tăng dần.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI cũng phản ánh đúng diễn biến mặt bằng giá. So với tháng trước, CPI của tháng 1 tăng 0,06%, tháng 2 tăng cao 1,52%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 tăng 0,19%. Từ đó, đưa CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,07% so với tháng 5/2021 và tăng 1,14% so với tháng 6/2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, nửa đầu năm 2021, CPI bình quân tăng chủ yếu do giá xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục tăng, giá gạo, giá vật liệu xây dựng tăng… Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng của CPI 6 tháng đầu năm, như: giá các mặt hàng thực phẩm, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; nhu cầu đi lại của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh…

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính phân tích, lạm phát cơ bản thấp cùng với sự sụt giảm của giá thực phẩm (giá thịt lợn, thịt gà) đã cân bằng hết tất cả các tác động của giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng cao thời gian qua. Thực trạng lạm phát thấp, có nguyên nhân chính là do cầu tiêu dùng trong nước yếu.

Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, việc lạm phát duy trì mức thấp nửa đầu năm, là điều kiện thuận lợi để tạo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm đạt mục tiêu. Song cũng không vì thế mà chủ quan, vì áp lực lạm phát tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Mặc dù đang ở mức thấp song CPI đang tăng dần. Giá nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất 6 tháng tăng mạnh 4,79% là mức cao nhất từ năm 2013 đến nay.

Dự báo CPI bình quân cả năm khoảng 2,5%

Do tình hình lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát, nên cuộc hội thảo dường như không “nóng” như nhiều năm trước. Dù trước đó, khi giá xăng dầu tăng, giá một số vật liệu xây dựng, giá bất động sản… tăng khiến dư luận lo ngại tác động lên lạm phát. Tuy nhiên, qua phân tích của các chuyên gia và cơ quan quản lý, dự báo CPI năm 2021 có thể thấp hơn mục tiêu đề ra.

Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến dự báo đưa ra khá trùng khớp, khi cho rằng, CPI bình quân cả năm chỉ xoay quanh mức khoảng 2,5%.

Ông Nguyễn Bá Minh dự báo, CPI bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ ở mức 2,5% (+-0,3%). Mức dự báo CPI nêu trên dựa trên cơ sở dự báo có nhiều nhân tố làm giảm áp lực lạm phát, như: tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp khiến cho mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể phục hồi vững chắc, làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu khó tăng như kỳ vọng. Bên cạnh đó, dự báo giá một số hàng hóa thiết yếu sẽ hạ nhiệt, giá cả thị trường ổn định, không có biến động.

Qua tính toán, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, nếu tốc độ tăng giá được duy trì trong thời gian còn lại của năm mỗi tháng khoảng 0,27%, thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 2,12%. Ở kịch bản cao hơn, trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.

“Mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được. Dù vậy, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng” - ông Nguyễn Đức Độ nhận định.

Ở tầm nhìn xa hơn, theo Cục Quản lý giá, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao, mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

“Mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được. Dù vậy, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng”.
Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam