Chính sách tài khóa kịp thời, “vắc-xin” cho tăng trưởng

15:19 | 03/07/2021 Print
(TBTCVN) - Để thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp tài khóa.

8

Nhiều chính sách được thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19

Các tháo gỡ về chính sách thuế, phí, lệ phí kịp thời chính là liều “vắc-xin”quan trọng cho tăng trưởng.

Cú hích vượt khủng hoảng

Sang năm 2021, dù đã có kinh nghiệm trong điều hành, song những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến Chính phủ lại phải có những biện pháp ứng phó mới, khi doanh nghiệp tiếp tục lao đao. Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19.

Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất để các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp tài khóa tiếp tục thực hiện trong năm 2021 hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

b8
Nguồn: Bộ Tài chính Biểu đồ: HỒNG VÂN

Nhiều chính sách được thực hiện, như: tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giảm nhiều loại phí, lệ phí đến hết năm 2021...

Trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã chỉ đạo cơ quan Thuế triển khai tích cực, hiệu quả, đúng quy định việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ ngân sách nhà nước (NSNN). Tính đến 23/6, đã có hơn 33 nghìn tỷ đồng được đề nghị gia hạn thuế; đã thực hiện miễn giảm khoảng 2,46 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng. Qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Nếu tính cả trong năm 2020, thì con số này là rất lớn, Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2020 thông qua chính sách tài chính - NSNN đã xử lý hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là 128,33 nghìn tỷ đồng để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Ngoài các cơ chế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong nửa đầu năm, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên nguồn, bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân. Tính cả số 16,83 nghìn tỷ đồng đã chi năm 2020, đến nay NSNN đã chi khoảng 21,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Phép thử sức bền của doanh nghiệp, nền kinh tế

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt, phải có thể chế đặc biệt và Chính phủ, Bộ Tài chính đã làm được điều đó. Theo đại biểu, Chính phủ thực hiện giãn tiền thuế, tiền thuê đất, “là cách làm khéo”.

Là người am hiểu về bài toán kinh tế và thực thi các chính sách theo hướng “win - win”, vị đại biểu này cho rằng, khi ngân sách còn nhiều khó khăn, không có nhiều tiền để hỗ trợ trực tiếp giảm thuế cho doanh nghiệp, thì việc doanh nghiệp được giữ lại một khoản tiền, chưa nộp thuế ngay để phục vụ cho sản xuất kinh doanh, là thành công trong điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính khi không dừng ở việc chỉ giãn thuế, Bộ đã ban hành thông tư giảm nhiều khoản phí, lệ phí với số tiền không nhỏ, cả năm ước tính lên đến 2.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Covid-19 chính là phép thử sức bền của doanh nghiệp, của nền kinh tế, do đó, chúng ta cần phải trong khó khăn, cơ cấu lại để có những đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, cũng như phải đột phá trong cách làm.

“Việc hỗ trợ chỉ là tạm thời, vấn đề là làm thế nào để cho doanh nghiệp đứng vững trong thời gian tới mới là cốt lõi. Tôi cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu. Không thể trông chờ hỗ trợ vì khả năng nguồn lực tài chính là có hạn. Chúng ta chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp cho an sinh xã hội, còn đối với doanh nghiệp nên hỗ trợ về chính sách”- đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.

(Bài tuyên truyền thực hiện theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam