Lạm phát có leo thang theo giá xăng?

16:20 | 30/06/2021 Print
Trong 3 kỳ điều hành liên tiếp gần đây, giá xăng được điều chỉnh tăng. Đáng lo ngại nhất tại kỳ điều hành cuối tháng 6, giá xăng tăng mạnh, cao kỷ lục trong vòng 1 năm rưỡi trở lại đây. Nhiều ý kiến lo ngại lạm phát tăng theo giá xăng dầu.

giá xăng

Trong hơn 7 tháng qua, giá xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 5.875 đồng/lít. Ảnh: TL.

Xăng dầu đội giá, kéo đà tăng CPI

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, trong đó: 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,07% (làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của liên tiếp 3 đợt điều chỉnh giá xăng, dầu từ trung tuần tháng 5.

Duy chỉ có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13% (làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm), do giá lương thực, thực phẩm giảm khi nguồn cung dồi dào và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm.

Dư luận lo ngại khi trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 26/6, giá xăng tăng mạnh, trong đó xăng RON 95 tăng lên gần 21.000 đồng/lít. Đây là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 1,5 năm trở lại đây. Giá xăng dầu leo thang dấy lên lo ngại những ngày tới liệu giá các hàng hóa có “té nước theo mưa”, tăng theo giá xăng dầu, ảnh hưởng tới lạm phát.

Theo tính toán, trong hơn 7 tháng qua, giá xăng đã tăng rất cao, như xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 5.875 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 6.215 đồng/lít.

Giá xăng dầu trong nước liên tục điều chỉnh tăng là do giá thế giới tăng. Các cơ quan quản lý đã sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế đà tăng giá của xăng dầu trong nước. Tại kỳ điều hành giá lần này, Liên Bộ Công thương - Tài chính tiếp tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.500 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít và dầu diesel 100 đồng/lít.

Theo Bộ Công thương, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi sau thời gian chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu sử dụng xăng dầu trên thế giới tăng mạnh, đã tác động đến giá xăng dầu thành phẩm tăng trong thời gian vừa qua. Giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày vừa qua tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chính là tăng cao.

Giá dầu thế giới tuần trước thời điểm điều chỉnh giá (26/6) liên tục lập đỉnh. Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục được củng cố, qua đó làm gia tăng kỳ vọng quá trình cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu được đẩy mạnh, đã hỗ trợ giá xăng dầu có tuần giao dịch với đà tăng mạnh.

Chính phủ kiên định, không lo lạm phát

Theo dự báo của giới chuyên gia, giá dầu thế giới được cải thiện do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu thời gian tới tăng, đặc biệt khi các nước đã và đang tiến hành nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Dự báo, nhu cầu dầu thô thời gian tới sẽ tăng mạnh và có khả năng bùng nổ khi các hoạt động sản xuất, du lịch, hàng không trở lại mạnh mẽ.

Những dự báo của giá dầu thế giới gây lo ngại, do giá dầu trong nước chịu ảnh hưởng bởi giá thế giới. Do là đầu vào của nền kinh tế, nên những lo ngại đó là có cơ sở.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực dự báo, giá dầu thế giới tăng có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải sẽ chịu áp lực tăng chi phí đầu vào khi giá xăng dầu tăng, từ đó có thể dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, tác động lên lạm phát.

Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức cầu rất yếu và vòng quay đồng tiền chậm. Nếu vòng quay nhanh, nhiều, thì lạm phát tăng. Nhưng hiện nay vòng quay chậm do kinh tế khó khăn, chỉ còn 0,65 lần (năm 2011 – 2012 là khoảng hơn 2 lần), điều này diễn ra trên toàn cầu chứ không riêng Việt Nam. Lý do thứ ba là năm nay Chính phủ kiên định giữ ổn định kinh tế vĩ mô nên đã chỉ đạo phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa để điều hành giá cả. Năm nay, các mặt hàng do Nhà nước quản lý hầu như không tăng giá. "Do đó, có thể tự tin nói lạm phát năm nay kiểm soát được dưới 4%" - ông Cấn Văn Lực nói.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, năm 2021 giá cả một số mặt hàng rất khó đoán định. Một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả, như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, có yếu tố tăng, có giảm, nhưng diễn biến rất bất thường, chúng ta không thể lường hết được.

Do đó, Cục Quản lý giá cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài chính làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ.

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành theo chức năng tiếp tục bám sát tình hình giá cả thị trường để có điều hành cụ thể. Ví dụ như mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu vừa tính đến yếu tố thị trường, vừa kết hợp với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành.

Trên thực tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam