Hệ thống kế toán, kiểm toán được tạo lập tương đối hoàn chỉnh

10:52 | 25/06/2021 Print
(TBTCVN) - Việc triển khai các nội dung trong kế hoạch của Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020 đã góp phần tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước Việt Nam; tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế.

Hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán được phát triển phong phú.

Hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán được phát triển phong phú. Ảnh Khánh Huyền

Trong những năm qua, hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai các nội dung trong kế hoạch của Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020 đã góp phần tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước Việt Nam; tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để nâng tầm phát triển của lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Nâng cao vai trò và năng lực quản lý nhà nước

Theo TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát kế toán kiểm toán (QLGSKTKT), việc triển khai các nội dung trong kế hoạch của Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán (KTKT) đến năm 2020 đã góp phần tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước Việt Nam; tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế; đáp ứng yêu cầu thông tin cho việc huy động, hỗ trợ, quản lý và điều hành các nguồn lực tài chính, các hoạt động kinh tế - tài chính của Chính phủ, địa phương và từng doanh nghiệp (DN), tổ chức, đơn vị kế toán.

TS. Vũ Đức Chính đánh giá, khuôn khổ pháp lý về KTKT được tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở tiếp cận, vận dụng thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Vai trò và năng lực quản lý nhà nước về KTKT từng bước được nâng cao; công tác quản lý, giám sát hoạt động KTKT tiếp tục được đẩy mạnh; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về KTKT được thực hiện với các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Cục QLGSKTKT đã nỗ lực thực hiện triển khai các công việc liên quan đến Đề án Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam và Đề án Công bố chuẩn mực kế toán công của Việt Nam. Đồng thời, Cục QLGSKTKT cũng triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ KTKT nhằm đảm bảo khung pháp lý được hoàn thiện, đầy đủ theo mục tiêu các chiến lược, từ đó tạo môi trường pháp lý về KTKT đầy đủ và phù hợp. Bên cạnh đó, cục đẩy mạnh công tác quản lý và hoạt động hành nghề KTKT. Các quy định đã tạo điều kiện và phục vụ hiệu quả cho các hoạt động kinh tế - tài chính của các DN, tổ chức, đơn vị kế toán…

Thời gian qua, vai trò và năng lực quản lý nhà nước về KTKT từng bước được nâng cao; công tác quản lý, giám sát hoạt động KTKT tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về KTKT đã được củng cố một bước, theo đó Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán thuộc Bộ Tài chính đã được chuyển đổi thành Cục QLGSKTKT, tạo cơ sở để thực hiện chức năng quản lý giám sát hoạt động KTKT phù hợp với điều kiện mới.

Cũng theo TS. Vũ Đức Chính, thị trường dịch vụ KTKT được phát triển theo tất cả các tiêu chí, cả về chất lượng dịch vụ và quy mô hoạt động, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, làm lành mạnh hóa và nâng cao tính công khai, minh bạch của các hoạt động kinh tế, tài chính của các đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính đã thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực KTKT một cách thực chất với các giải pháp cụ thể, thiết thực; triển khai và đưa vào áp dụng các dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực KTKT ở cấp độ cao nhất phù hợp với điều kiện cho phép.

Bộ Tài chính cũng đã mở quan hệ hợp tác sâu, rộng với các tổ chức quốc tế về KTKT với các hoạt động đa dạng, phong phú. Việt Nam đã tham gia là thành viên chính thức của Hiệp định công nhận lẫn nhau về kế toán trong khối ASEAN; tham gia các thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với các nước khác trong hiệp định RCEP, CPTPP; tham gia là quan sát viên của AARG (Cơ quan kiểm toán ASEAN).

Những tồn tại cần khắc phục

Theo TS. Vũ Đức Chính, trong thời gian qua, mặc dù hệ thống KTKT đã tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế, tuy nhiên về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Việt Nam chưa được cập nhật theo thông lệ quốc tế (IFRS), làm hạn chế hiệu quả quản lý, giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế.

Cơ chế, nội dung, hình thức giám sát thực thi việc tuân thủ chuẩn mực KTKT chưa được thực đầy đủ và hiệu quả. Nguồn lực phục vụ việc tổ chức hoạt động xây dựng khung pháp lý, tổ chức thực hiện và xử lý kết quả qua giám sát còn hạn chế. Một cơ chế đồng bộ, hài hòa trong khung pháp lý, tổ chức thực hiện và nguyên tắc ứng xử đang ở trong giai đoạn cần phải hoàn thiện để đạt hiệu quả cao nhất.

Ý thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật nói chung và KTKT nói riêng của các tổ chức, cá nhân chưa được đặt đúng tầm cả về nhận thức và thực hiện.

Số lượng kế toán viên và kiểm toán viên, đặc biệt người có năng lực, kinh nghiệm hành nghề tại một số vị trí công việc còn hạn chế, thiếu hụt. Nguồn nhân lực và điều kiện hoạt động của các hội nghề nghiệp còn có những hạn chế nhất định, tác động đến hiệu quả hoạt động chuyên môn.

Một số hoạt động hội nhập quốc tế về KTKT chưa thực sự đi vào chiều sâu; hiệu quả và ảnh hưởng nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới còn hạn chế về một số nội dung, hoạt động…

Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán giai đoạn 2021 - 2030”, với mục tiêu cần xác định là phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán phù hợp thông lệ quốc tế, điều kiện của Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng của các thông tin kinh tế, tài chính, ngân sách phục vụ công tác điều hành, ra quyết định của cơ quan Nhà nước, của các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp; thúc đẩy các hoạt động sản xuất, thương mại - dịch vụ và đầu tư phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển phong phú, có chiều sâu và hiệu quả hơn


Số lượng các doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính được mở rộng, do đó số lượng khách hàng được kiểm toán báo cáo tài chính tăng lên đáng kể, khoảng 16%/năm.

Hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về KTKT được phát triển phong phú, có chiều sâu và hiệu quả hơn; từ đó thúc đẩy hiệu quả các hoạt động quản lý nghề nghiệp, phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế - xã hội nói chung. Các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực KTKT trong nước đã khẳng định được vai trò, vị trí và nỗ lực hoạt động theo định hướng trở thành tổ chức tự quản.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam