Công tác báo chí tuyên truyền của ngành Tài chính ngày càng chuyên nghiệp và cởi mở

16:54 | 19/06/2021 Print
(TBTCVN) - Đây là nhận xét của một số nhà báo theo dõi ngành Tài chính mà phóng viên TBTCVN có dịp phỏng vấn. Với các nhà báo, dù công việc khá vất vả, áp lực, nhưng với họ luôn ẩn chứa tinh thần lạc quan, cầu thị, mong muốn mang thông tin chính xác nhất, nhanh nhất đến với bạn đọc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dưới đây là những chia sẻ của các nhà báo chuyên trách theo dõi lĩnh vực tài chính.

* Nhà báo Ánh Hồng - Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh:

Lĩnh vực tài chính “tưởng lạnh mà nóng, tưởng khô khan nhưng rất thú vị”

Nhà báo Ánh Hồng

Nhà báo Ánh Hồng

15 năm theo dõi mảng tài chính, tôi cảm nhận đây là mảng “tưởng lạnh mà nóng, tưởng khô khan mà rất thú vị”. Đây là điều mà tôi chưa thể hình dung ra khi tôi bắt đầu theo dõi mảng này khi là cô sinh viên vừa ra trường. Nhiều bài viết đăng tải trên báo Tuổi Trẻ như: Chuyện thu thuế của Uber, Grab nói riêng và sau này là các ông lớn như Google, Facebook. Mới nhất là Nghị định 126 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, khi được phản ánh đều thu hút sự chú ý và phản hồi rất lớn của doanh nghiệp, người dân.

Theo cảm nhận của tôi, phản ứng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế khá nhanh nhạy, kịp thời và cầu thị. Tôi còn nhớ năm 2012 Tổng cục Thuế có văn bản trả lời cho một doanh nghiệp trong đó khẳng định “tiền lương hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả thay lương phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN”. Sau khi báo chí phản ánh, Tổng cục Thuế đã văn bản sửa ngay hướng dẫn này…

15 năm trong nghề báo, cũng là 15 năm theo dõi mảng tài chính, trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, kỷ niệm không thể quên của tôi là lần ra Hà Nội nhận giải đặc biệt “Giải báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2020) với tác phẩm “Truy thu thuế liên quan Google, Facebook: Nhiều tỷ phú quên… nộp thuế” đăng trên báo Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh. Chuyến đi với nhiều kỷ niệm, nhiều cung bậc cảm xúc khi thời điểm đó cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 khá căng thẳng. Qua đây, tôi cũng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ghi nhận những đó góp của tôi khi theo dõi mảng tài chính suốt 15 năm qua.

* Nhà báo Nguyễn Dương - Thông tấn xã Việt Nam:

Thời gian sung sức nhất của tôi dành cho ngành Tài chính

Nhà báo Nguyễn Dương

Nhà báo Nguyễn Dương

Tôi bắt đầu theo nghề báo được 15 năm, đó cũng là khoảng thời gian tôi gắn bó với ngành tài chính. Tôi vẫn thường nói vui rằng, cả thanh xuân của mình đã dành trọn cho ngành Tài chính. Trải qua 4 thời kỳ Bộ trưởng, tôi đều có những kỷ niệm sâu sắc với các tư lệnh ngành. Khoảng thời gian 15 năm chưa phải quá dài, nhưng cũng đủ để tôi được cống hiến và có những trải nghiệm vui, buồn, vinh quang, vất vả của nghề.

Là một nhà báo làm trong lĩnh vực tài chính ngoài việc thường xuyên gắn với những con số khô khan, đòi hỏi độ chính xác cao và nhiều áp lực, thì cũng giúp tôi có nhiều trải nghiệm thú vị mà không phải nghề nào cũng có như được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mở rộng mối quan hệ.

Tôi không thể quên được cảm giác khi cùng lực lượng kiểm soát hải quan An Giang đi tuần tra trên cano từ ngã 3 sông Hậu (Châu Đốc) lên khu vực cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương tại Sông Tiền, đây cũng là vùng biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Hay niềm tự hào dân tộc trên những chuyến đi dọc biên giới phía Bắc, hay Tây Nam của Tổ quốc.

Tôi nghĩ, cũng giống như bao nghề khác, nghề báo cần có cái tâm và sự trung thực. Nghề báo vốn vất vả, đòi hỏi phải có sự đam mê thực sự, nhất là với các nữ nhà báo. Đôi khi tôi cũng ước mình là một nhà báo nam, sẽ giúp tôi tác nghiệp dễ hơn trong việc tiếp cận với các nhân vật, sự việc và tôi cũng sẽ “lạnh lùng” hơn với một số quyết định. Nhưng thật ra, một nhà báo nữ cũng có những ưu điểm nhất định như nhìn nhận các vấn đề mềm mại hơn trong lĩnh vực khô khan này.

* Nhà báo Mạnh Bôn - Báo Đầu tư:

Đội ngũ làm công tác báo chí - tuyên truyền khá chuyên nghiệp

Nhà báo Mạnh Bôn

Nhà báo Mạnh Bôn

Mảng tài chính rất rộng là thuận lợi cho phóng viên theo dõi. Nhưng đây cũng chính là khó khăn, vì để hiểu về ngân sách nhà nước; thuế, phí, lệ phí; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; hải quan; kế toán, kiểm toán; chứng khoán; bảo hiểm; dịch vụ tài chính... là thách thức với tất cả phóng viên.

Thuận lợi của phóng viên theo dõi tài chính, đó là việc tiếp cận với lãnh đạo các cơ quan của Bộ Tài chính không quá khó khăn. Đội ngũ làm công tác báo chí - tuyên truyền rất có trách nhiệm, nhiệt tình và khá chuyên nghiệp.

Trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chưa biết đến khi nào mới kết thúc, thì ngành Tài chính cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phải tăng cường sự hợp tác giữa báo chí với ngành tài chính. Thay vì tuyên truyền theo phương thức truyền thống, thì tổ chức họp báo trực tuyến thường xuyên, không nhất thiết phải tổ chức họp báo “hoành tráng” với đủ mọi thành phần, mà chỉ cần lãnh đạo văn phòng, bộ phận truyền thông - báo chí của Bộ Tài chính, các cơ quan của Bộ Tài chính và lãnh đạo vụ, cục nào đó trả lời câu hỏi trực tuyến của phóng viên.

* Nhà báo Nguyễn Hùng - Báo Nhân dân:

Ngành Thuế ngày càng thân thiện và cởi mở hơn với báo chí

Nhà báo Nguyễn Hùng

Nhà báo Nguyễn Hùng

Phóng viên mảng tài chính thường không phải đối mặt trực tiếp những nguy hiểm hiện hữu như một số mảng khác như điều tra, nội chính… Song, phóng viên tài chính có những thiệt thòi rất khó nói. Ví như ở nhiều toà soạn, cơ quan báo thường rất ngại đăng những bài báo với những con số đầy khô khan, nhưng tiềm ẩn những lo ngại, bởi sức ảnh hưởng từ những con số ấy thường rất lớn, với sự lan tỏa và tác động khó lường.

Khi xã hội phát triển nhanh, xu thế toàn cầu hóa, nhu cầu minh bạch thông tin, nhất là về tài chính, thuế tăng cao càng tạo áp lực đối với phóng viên tài chính. Tuy nhiên, độ sâu sắc hay hời hợt của bài viết nhận định, bình luận tùy thuộc ở khả năng chuyên môn, kiến thức của phóng viên. Mà điều này là quá khó đối với đa số phóng viên, những người không xuất thân từ ngành tài chính, thuế và thường mù tịt, thậm chí loạn xà ngầu trước những con số chuyên ngành.

Trong suốt 16 năm được giao làm phóng viên chuyên trách ngành Tài chính, cũng có lúc, có vấn đề chưa được cung cấp thông tin kịp thời, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây đã khác rất nhiều. Đây có lẽ cũng là cảm nhận của rất nhiều anh chị em phóng viên tài chính khác, theo từng ngày đã có một ngành Thuế rất khác, không khiên cưỡng, mà thân thiện và cởi mở hơn. Minh chứng là trong gần ba năm qua, sự thân thiện, chu đáo ấy đã luôn được thể hiện qua từng lần tiếp xúc, lời giải thích, từng câu trả lời, từng bản thông cáo báo chí…

* Nhà báo Song Hiền - Truyền hình Quốc hội:

Cởi mở, thẳng thắng và không né tránh vấn đề nóng

Nhà báo Song Hiền

Nhà báo Song Hiền

Bộ Tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý nhà nước lĩnh vực tài chính nói riêng, trong công tác điều hành bộ máy nhà nước nói chung. Cơ chế chính sách và các hoạt động của ngành Tài chính luôn là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, vì có tác động sâu rộng tới người dân và xã hội. Vì lẽ đó, việc chủ động cung cấp thông tin được thực hiện đều đặn qua các thông cáo báo chí được bộ phận tuyên truyền, văn phòng bộ tổng hợp và rất quan trọng.

Có thể nói Bộ Tài chính là bộ có số lượng các cuộc họp báo chuyên đề đều đặn và dày dặn nhất trong số các cơ quan của Chính phủ hiện nay. Chính nhờ sự cởi mở, thẳng thắn, không né tránh vấn đề nóng như vậy, mà công tác thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội đã tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế chính sách của ngành.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Bộ Tài chính có thể tổ chức các cuộc họp báo, tập huấn online để kịp thời cung cấp thông tin tới các nhà báo. Bên cạnh đó, Văn phòng Bộ có thể phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam ghi hình các cuộc phỏng vấn các đơn vị chức năng của Bộ trả lời các vấn đề báo chí và người dân đang quan tâm để kịp thời gửi tới các cơ quan báo chí, đảm bảo nội dung tuyên truyền nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch.

Nhật Minh (thực hiện)

Nhật Minh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam