Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Hoàn thành trước hạn kế hoạch nhập gạo dự trữ quốc gia

23:34 | 15/06/2021 Print
(TBTCVN) - Tính đến 5/6/2021, các cục dự trữ nhà nước khu vực đã hoàn thành mua nhập kho dự trữ quốc gia đủ số lượng 190.000 tấn gạo, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng.

Nhiều cục dự trữ nhà nước đã hoàn thành nhập gạo dự trữ quốc gia rất sớm.

Nhiều cục dự trữ nhà nước đã hoàn thành nhập gạo dự trữ quốc gia rất sớm. Ảnh: Khánh Huyền

Việc triển khai quy định về chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật để đánh giá mức độ uy tín nhà thầu trong hồ sơ mời thầu mua gạo đã đảm bảo được sự công khai, minh bạch, tăng tính cạnh tranh trong công tác đấu thầu gạo năm nay.

Chủ động triển khai kế hoạch

Theo Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2021, trong đó Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) được giao nhiệm vụ mua nhập kho dự trữ quốc gia 190.000 tấn gạo.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã quán triệt, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực tổ chức triển khai đầy đủ các quy trình đấu thầu mua gạo, nhập kho đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; thời gian mở thầu vào ngày 5/3/2021; thời gian dự kiến hoàn thành nhập kho trước ngày 15/6/2021. Theo đó, toàn bộ 190.000 tấn gạo đã có nhà thầu trúng thầu và thực hiện ký kết hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Kết quả thực hiện từ đầu năm đến ngày 5/6/2021, toàn bộ 190.000 tấn gạo đủ tiêu chuẩn chất lượng đã được nhập kho DTQG (sớm hơn dự kiến 10 ngày). Trong đó có nhiều đơn vị đã hoàn thành nhập gạo DTQG rất sớm, như: Cục DTNN khu vực Hải Hưng, Cục DTNN khu vực Thái Bình, Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ, Cục DTNN khu vực Tây Nam Bộ,…

Theo Tổng cục DTNN, việc sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mua gạo nhập kho dự trữ nhờ một số thuận lợi, như: Thời điểm Tổng cục DTNN giao cho các cục DTNN khu vực triển khai công tác đấu thầu mua gạo phù hợp với vụ thu hoạch thóc Đông Xuân tại địa bàn đồng bằng sông Cửu Long (khu vực Nam Bộ); giá mua gạo phù hợp với giá thị trường lương thực; việc áp dụng phương pháp chấm điểm uy tín nhà thầu bảo đảm tính cạnh tranh, nâng cao trách nhiệm của các nhà thầu trúng thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp gạo; các cục DTNN khu vực đã chủ động kế hoạch, sẵn sàng nhập hàng (chuẩn bị các điều kiện liên quan đến kho tàng, công cụ, dụng cụ, vật tư kê lót, bảo quản...) để bảo đảm nhập kho, bảo quản kịp thời theo đúng tiến độ giao hàng của nhà thầu và các quy định về bảo quản hàng DTQG.

Công khai, minh bạch, tiết kiệm cho ngân sách

Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ mua gạo dự trữ quốc gia theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao; bảo đảm có nguồn gạo nhập tăng DTQG để chủ động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các địa phương và nhân dân trong các tình huống đột xuất cấp bách, thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo quyết định của cấp có thẩm quyền nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Tổng cục DTNN đã quán triệt và chỉ đạo các cục DTNN khu vực triển khai quyết liệt, quy định về chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật để đánh giá mức độ uy tín nhà thầu trong hồ sơ mời thầu (HSMT) mua gạo nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự công bằng cho tất cả các nhà thầu tham dự thầu. Đặc biệt qua đó tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu trong đấu thầu mua gạo. Thông qua việc công khai cụ thể các tiêu chí, nội dung đánh giá uy tín nhà thầu, đòi hỏi các nhà thầu cân nhắc, nghiên cứu kỹ yêu cầu của HSMT trước khi tham dự thầu; xác định rõ năng lực, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với chủ đầu tư khi được phê duyệt trúng thầu hoặc trong quá trình thực hợp đồng đã ký.

Do vậy, trong năm 2021 số lượng nhà thầu tham gia dự thầu tăng cao hơn 50% so với các năm trước; giá trúng thầu thấp hơn so với giá gói thầu (tiết kiệm 1,2% so với giá gói thầu); thời gian hoàn thành việc nhập đủ 190.000 tấn gạo sớm hơn so với dự kiến.

Với kết quả đạt được như trên, trong thời gian tới Tổng cục DTNN tiếp tục áp dụng phương pháp “chấm điểm uy tín nhà thầu” trong công tác đấu thầu mua hàng DTQG; bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch; lựa chọn được các nhà thầu có uy tín, năng lực cung cấp hàng cho DTQG để chủ động có nguồn hàng đưa vào DTQG, bảo đảm sẵn sàng xuất cấp trong mọi tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra theo đúng mục tiêu của Luật DTQG.

Áp dụng phương pháp chấm điểm uy tín nhà thầu

Trong thời gian tới Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục áp dụng phương pháp “chấm điểm uy tín nhà thầu” trong công tác đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia; bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch; lựa chọn được các nhà thầu có uy tín, năng lực cung cấp hàng cho dự trữ quốc gia để chủ động có nguồn hàng đưa vào dự trữ quốc gia, bảo đảm sẵn sàng xuất cấp trong mọi tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra theo đúng mục tiêu của Luật Dự trữ quốc gia.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam