Đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

19:35 | 08/06/2021 Print
(TBTCVN) - Ngoài các giải pháp đẩy nhanh tiến độ từ Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước với vai trò là cơ quan kiểm soát, thanh toán nguồn vốn đầu tư cũng đã đề xuất một số giải pháp.

kb

Kho bạc Nhà nước kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tỷ lệ giải ngân của từng năm sẽ quyết định thành công của cả giai đoạn này. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết tháng 5 vừa qua, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 mới đạt trên 22%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước gần 4%. Ngoài các giải pháp đẩy nhanh tiến độ từ Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước với vai trò là cơ quan kiểm soát, thanh toán nguồn vốn đầu tư cũng đã đề xuất một số giải pháp.

Chỉ rõ nguyên nhân giải ngân thấp

Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho thấy, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm đạt thấp có nguyên nhân từ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa đã khiến tiến độ thi công nhiều dự án bị đình trệ. Do đó, nhiều dự án không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán với KBNN.

Hơn nữa, thời gian này, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng tăng giá cao đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.

Khẩn trương phân bổ hết số vốn
còn lại


Thông tin từ Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ được trên 406.463 tỷ đồng vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2021 (không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), đạt trên 88% kế hoạch. Kế hoạch vốn còn lại chưa được phân bổ còn trên 54.863 tỷ đồng, chiếm gần 12% kế hoạch.
Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và thực hiện nhập kế hoạch vốn trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis).

Tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm đạt thấp còn do tháng 1/2021 là thời điểm các chủ đầu tư (CĐT) tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 được phép kéo dài sang năm 2021 với số vốn khoảng trên 51.065 tỷ đồng. Tháng 2/2021 lại trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021.

Ngoài ra, do nhiều địa phương triển khai phân bổ vốn chậm. Một số dự án khởi công mới chưa được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa có cơ sở để triển khai thực hiện các dự án khởi công mới.

Là cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án, KBNN cũng đưa ra một số vướng mắc trong quá trình kiểm soát chi. Cụ thể, tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC (TT08) của Bộ Tài chính về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) quy định một trong những nguyên tắc kiểm soát thanh toán của KBNN là “Lũy kế số vốn thanh toán cho dự án không vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao”. Tuy nhiên, tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN thì “Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn không phải là hồ sơ tài liệu chủ đầu tư gửi KBNN làm căn cứ kiểm soát chi”, do đó đã làm cho công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư gặp nhiều trở ngại.

Mặt khác, tại Thông tư số 108/2016/TT-BTC và Thông tư số 52/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của TT08 có quy định, các bộ, ngành, địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch vốn chi tiết cho các CĐT đầy đủ các tiêu chí tại phụ lục số 01 và ghi chi tiết kế hoạch vốn đầu tư: kế hoạch giao đầu năm (trong đó thu hồi vốn ứng trước); kế hoạch vốn đầu tư điều chỉnh; kế hoạch vốn đầu tư kéo dài; kế hoạch vốn ứng trước để thực hiện. Đồng thời gửi KBNN nơi mở tài khoản để có căn cứ kiểm soát, thanh toán vốn. Tuy nhiên, thực tế thực hiện mẫu phân bổ kế hoạch vốn theo phụ lục số 01 nêu trên, các bộ, ngành, địa phương thường để trống cột chỉ tiêu “kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của từng dự án”. Do đó, KBNN gặp vướng mắc vì không đủ căn cứ để kiểm soát chi theo nguyên tắc chi quy định tại TT08.

Cần tập trung giao hết kế hoạch vốn

Để đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đồng thời, các bộ ngành, địa phương thực hiện rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.

Để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước và đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm, với trách nhiệm của mình, KBNN cũng đưa ra một số kiến nghị.

Cụ thể, KBNN đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương giao nốt kế hoạch vốn năm 2021 còn lại cho các chủ đầu tư trực thuộc; đồng thời nhập dự toán kịp thời lên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) để đảm bảo nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án.

Đồng thời, KBNN cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khi phân bổ kế hoạch vốn theo phụ lục số 01 (quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính), điền đầy đủ thông tin vào cột chỉ tiêu kế hoạch vốn trung hạn của từng dự án.

Ngoài ra, KBNN cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

KBNN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết tương tự như Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, trong đó quy định một số nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để các bộ, ngành, địa phương thực hiện như: đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; đôn đốc thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán gửi cơ quan kiểm soát chi ngay khi có khối lượng phát sinh; rà soát, điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; gắn trách nhiệm với người đứng đầu đơn vị khi để tiến độ giải ngân chậm…

Còn chậm báo cáo theo định kỳ tình hình giải ngân


Theo quy định, hàng tháng, các bộ, ngành, địa phương báo cáo lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến hết tháng trước liền kề, ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng báo cáo. Thời hạn các đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 15 của tháng báo cáo để phục vụ kịp thời công tác điều hành kế hoạch vốn của Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, còn rất nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện báo cáo theo đúng thời gian quy định. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã gửi báo cáo đúng thời gian nhưng phần lớn các báo cáo chưa đúng theo biểu mẫu báo cáo quy định; nội dung báo cáo còn sơ sài, chưa đánh giá về khó khăn, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ…

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam