Kiến nghị giải pháp đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa năm 2021

09:26 | 31/05/2021 Print
(TBTCVN) - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng đầu năm. Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã kiến nghị một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng cuối năm đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch trong năm 2021.

9

Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải – TKV tiến hành đấu giá lần đầu ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 17/6/2021.

5 tháng, công tác cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kết quả cụ thể

Báo cáo tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 5 tháng đầu năm, Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) cho biết, đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp (DN) thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục DN cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt), với tổng giá trị DN là 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty là 151 tỷ đồng. Đồng thời, trong 5 tháng đầu năm các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác để thực hiện xác định giá trị DN để cổ phần hóa theo quy định. Ngày 17/6 tới, dự kiến sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải – TKV.

Về thoái vốn, lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 thoái vốn đạt giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng.

Về cơ chế chính sách, trong giai đoạn này, hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát vốn, tài sản của nhà nước.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã xây dựng nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu DN, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn nhà nước và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 6/2021. Cục TCDN cũng đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các thông tư hướng dẫn các nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.

Mới đây, ngày 17/5, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32/2021/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Tuy nhiên, đánh giá chung, Cục TCDN cũng cho rằng trong 5 tháng đầu năm, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể (các DN cổ phần hóa, thoái vốn trong 5 tháng đầu năm đều thực hiện trong năm 2020). Mặc dù thị trường chứng khoán trong nước và thế giới đã từng bước phục hồi, tuy nhiên, việc triển khai bán cổ phần lần đầu của Tổng công ty phát điện 2 (Tập đoàn điện lực Việt Nam) - EVNGENCO2 không đạt được kết quả theo kế hoạch, chỉ bán được khoảng 0,045% tổng số cổ phần dự kiến bán ra. Vẫn còn một số DN cổ phần hóa chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa theo quy định, số lượng DN sau cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, qua đó ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn của các DN và ảnh hưởng đến nguồn thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục TCDN, dự kiến 6 tháng cuối năm công tác cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chưa thể đạt được nhiều kết quả do trong tháng 5 dịch Covid-19 đã bùng phát ở nhiều nơi trong cả nước, nhiều địa phương phải cách ly xã hội đã ảnh hưởng đến việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Tập trung hoàn thành IPO một số doanh nghiệp lớn

Do đó, để tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN trong 6 tháng cuối năm 2021, Cục Tài chính DN đã đề xuất một số giải pháp. Trong đó, có việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025 (thay thế Quyết định số 707/QĐ-TTg).

Về phía các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN, cần tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định pháp luật; thực hiện đầy đủ vai trò của cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình lập phương án, quyết định xử lý theo thẩm quyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện phương án xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Đồng thời, ưu tiên tập trung xử lý các tồn tại, yếu kém, các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương.

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2021 theo kế hoạch, Cục TCDN đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN và DN có vốn nhà nước; quyết định phê duyệt danh mục DN thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025 để các cơ quan đại diện chủ sở hữu, DN có cơ sở thực hiện.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN tập trung hoàn tất việc quyết toán cổ phần hóa các DN thuộc phạm vi quản lý đang thực hiện dở dang để quyết toán, nộp tiền thu cổ phần hóa về quỹ trong năm 2021. Quyết liệt thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước tại DN theo Quyết định số 908 năm 2020 của Thủ tướng (đã được gia hạn thực hiện).

Ngoài ra, Cục TCDN cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể để đảm bảo cân đối nguồn thu quỹ nộp NSNN năm 2021. Theo đó, về cổ phần hóa, cần tập trung hoàn thành việc IPO một số DN lớn trong năm 2021 như: Agribank (dự kiến thu 19.847 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ); Công ty mẹ Tập đoàn VNPT (dự kiến thu 30.759 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ); MobiFone (dự kiến thu 9.255 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ).

Đây là các DN theo Quyết định số 26/QĐ-TTg, thuộc giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành cổ phần hóa. Tuy nhiên, số thu thực tế của các DN này còn phụ thuộc vào phương án cổ phần hóa cụ thể.

Về thoái vốn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chỉ đạo SCIC trong năm 2021 tập trung thực hiện thoái vốn tại Sabeco, Tập đoàn FPT và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh. Theo mức giá tham chiếu ngày 12/4, dự kiến mức thu về tại Sabeco là khoảng 40.169 tỷ đồng, tại FPT khoảng 1.982 tỷ đồng và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh khoảng 776 tỷ đồng.

5 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về quỹ mới đạt 228 tỷ đồng. Trong khi đó, dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ quỹ nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam