Đảm bảo không để xảy ra tổn thất tài sản trong mọi tình huống

10:45 | 26/05/2021 Print
(TBTCVN) - Phòng, chống cháy, nổ là công tác quan trọng luôn được Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN) quan tâm thực hiện. Nhờ đó, trong thời gian qua chưa có vụ cháy, nổ nào xảy ra, đảm bảo an toàn cho trụ sở và kho hàng dự trữ.

Công tác bảo quản thường xuyên hàng dự trữ quốc gia luôn được triển khai hiệu quả.

Công tác bảo quản thường xuyên hàng dự trữ quốc gia luôn được triển khai hiệu quả.

Bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng chống cháy nổ, hàng năm Tổng cục DTNN đã ký hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trụ sở, kho hàng và hàng dự trữ quốc gia (DTQG) với các nhà bảo hiểm có năng lực được lựa chọn thông qua đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm đảm bảo không để xảy ra tổn thất tài sản nhà nước trong mọi tình huống.

Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy nổ

Mới đây, Tổng cục DTNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn thực hiện Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trụ sở, kho hàng và hàng DTQG năm 2021. Hội nghị tổ chức tại điểm cầu cơ quan Tổng cục DTNN tại Hà Nội và 22 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, bà Bùi Thúy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết, thực hiện Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, hàng năm Tổng cục DTNN đã ký hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trụ sở, kho hàng và hàng DTQG với các nhà bảo hiểm có năng lực được lựa chọn thông qua đấu thầu rộng rãi trong nước (qua mạng).

Do các đơn vị của Tổng cục DTNN thường xuyên làm tốt công tác phòng, chống cháy, nổ nên trong suốt thời gian qua chưa có vụ cháy, nổ nào xảy ra. Tuy nhiên, những năm gần đây liên tục xảy ra bão, lũ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung nên đã gây ra thiệt hại về kho tàng, hàng DTQG đã được bên bảo hiểm bồi thường tổn thất theo hợp đồng bảo hiểm.

Quá trình thực hiện hợp đồng, các bên (bên bảo hiểm và các đơn vị của Tổng cục DTNN tham gia bảo hiểm) đều đã hoàn thành các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng. Nhờ đó, khi xảy ra rủi ro, tổn thất tài sản cơ bản được bồi thường đầy đủ, đúng quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những bất cập, vướng mắc giữa các bên như: Việc bên bảo hiểm đề nghị các đơn vị dự trữ cung cấp hóa đơn có thuế GTGT đối với hàng DTQG bị tổn thất; hồ sơ, nội dung các chi phí phát sinh để thực hiện phòng ngừa và hạn chế tổn thất (trước và sau khi có thiệt hại thực tế xảy ra); quy trình giải quyết bồi thường giữa các bên (bên bảo hiểm, bên được bảo hiểm, đơn vị giám định độc lập); một số nội dung đặc thù của DTQG việc bổ sung danh mục tài sản tham gia bảo hiểm sau thời điểm ký hợp đồng; bồi thường các tài sản là phụ kiện, vật tư phục vụ kê xếp, bảo quản hàng DTQG; việc lập các tài liệu, giấy tờ liên quan của hồ sơ bồi thường tổn thất... do những bất cập kể trên nên khi xảy ra tổn thất các bên lập hồ sơ bồi thường còn chưa được kịp thời, giá trị bồi thường không thống nhất, còn xảy ra tình trạng khiếu nại nhiều lần của các Cục DTNN khu vực.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do việc quản lý kho, hàng DTQG có tính chất đặc thù, phải tuân thủ theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; còn có quy định khác nhau giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hóa đơn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng DTQG hoặc những phát sinh trong quá trình thực hiện tại hợp đồng chưa quy định hoặc có quy định nhưng chưa rõ; một số nội dung các bên còn hiểu khác nhau, không thống nhất hoặc công tác phối hợp xử lý giữa các bên còn chưa chặt chẽ, chưa tích cực hoặc thời gian cung cấp hồ sơ của các đơn vị cho bên bảo hiểm cũng như việc tiếp nhận, xử lý, thực hiện bồi thường của bên bảo hiểm chậm, kéo dài...

Phối hợp trong thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Tại hội nghị, các báo cáo viên của bên bảo hiểm giới thiệu cụ thể về nội dung Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trụ sở, kho hàng và hàng DTQG năm 2021, đặc biệt là quy trình giải quyết bồi thường, các nội dung phát sinh trong quá trình giải quyết bồi thường tổn thất… Đồng thời, các đơn vị tham dự hội nghị đã trao đổi, thảo luận, đề xuất giải đáp một số vướng mắc (tại Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh…) liên quan đến thực hiện hợp đồng, như: hóa đơn thuế GTGT đối với hàng DTQG bị tổn thất; công tác phối hợp giám định khi xảy ra tổn thất; bổ sung danh mục tài sản tham gia bảo hiểm mà tại thời điểm ký hợp đồng tài sản chưa nhập kho DTQG; danh mục các tài liệu, giấy tờ liên quan trong hồ sơ bồi thường tổn thất; cách thức để đẩy nhanh tiến độ xác định khối lượng số lượng hàng hóa tổn thất, xác định chi phí đề phòng hạn chế tổn thất…

Đại diện các Công ty bảo hiểm đã tiếp thu và giải đáp thắc mắc, qua đó giúp các đơn vị trong ngành Dự trữ hiểu rõ hơn bản chất của bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy, nổ nói chung cũng như hợp đồng bảo hiểm mà hai bên đã ký kết và thực hiện, xác định rõ được quyền và nghĩa vụ của mình trong triển khai thực hiện. Đồng thời nắm bắt rõ hơn các quy trình, thủ tục, hồ sơ bồi thường tổn thất, thời gian cần thiết để người có thẩm quyền quyết định bồi thường tổn thất, đồng thời cũng giúp cho các bên phối hợp tốt hơn nữa trong việc thực hiện hợp đồng.

“Các đơn vị tiếp tục quán triệt nghiên cứu kỹ nội dung chuyên đề đã được trình bày tại hội nghị để nâng cao hơn nữa kiến thức về bảo hiểm, năng lực thực hiện hợp đồng bảo hiểm, phối hợp có hiệu quả với bên bảo hiểm, đơn vị giám định độc lập, đơn vị môi giới bảo hiểm thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời, đảm bảo quyền, và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng. Trước mắt, đề nghị bên bảo hiểm, đơn vị môi giới bảo hiểm tiếp tục phối hợp tích cực, kịp thời hơn nữa với các đơn vị của Tổng cục giải quyết dứt điểm một số tổn thất đã xảy ra năm 2020 chưa được bồi thường”, bà Bùi Thúy Ngọc nhấn mạnh.

Tăng cường phối hợp, xử lý sự cố

Hội nghị trực tuyến hướng dẫn thực hiện Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trụ sở, kho hàng và hàng dự trữ quốc gia (DTQG) năm 2021 được tổ chức nhằm giúp các đơn vị của Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN) tham gia bảo hiểm nâng cao hiểu biết, bản chất về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trụ sở, kho hàng và hàng DTQG. Đặc biệt là hiểu rõ, nắm vững những điều khoản bổ sung quy định của hợp đồng; thống nhất các vấn đề còn hiểu khác nhau để thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong thực hiện hợp đồng; giải đáp những vướng mắc, bất cập; bổ sung các thông tin liên quan đến hợp đồng cũng như tăng cường công tác phối hợp, xử lý sự cố, bồi thường tổn thất; giúp bên bảo hiểm hiểu rõ hơn về đặc điểm tài sản và quản lý tài sản DTQG của Tổng cục DTNN.

Trần Quốc Thao

Trần Quốc Thao

© Thời báo Tài chính Việt Nam