Chính sách tài chính tạo sức bật mạnh mẽ cho khoa học và công nghệ

15:07 | 21/05/2021 Print
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài chính nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho khoa học và công nghệ, trong đó tập trung vào các chính sách thuế, phí, lệ phí và chi ngân sách nhà nước.

Đảm bảo nguồn ngân sách dành cho phát triển khoa học công nghệ

Trong thời gian qua, ngân sách nhà nước (NSNN) rất khó khăn nhưng vẫn dành một khoản kinh phí lớn cho phát triển khoa học công nghệ. Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) 2013 và các văn bản hướng dẫn đã cụ thể hóa tỷ lệ chi NSNN, nội dung chi NSNN cho phát triển KH&CN. Theo đó, quy định “Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi NSNN hằng năm” và “Ngân sách cho KH&CN phải được ghi thành một mục chi riêng trong mục lục NSNN hằng năm của bộ, ngành, địa phương”.

Về nội dung chi cũng đã được quy định cụ thể bao gồm: Chi đầu tư phát triển KH&CN (chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN); chi sự nghiệp KH&CN (chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập; cấp vốn điều lệ và vốn bổ sung cho các quỹ quốc gia của Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN; hỗ trợ chuyển giao và nhập khẩu công nghệ; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, hỗ trợ các hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN, và các khoản chi có liên quan khác...).

ngan sach
Năm 2020, tổng dự toán chi sự nghiệp KH&CN đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016. Ảnh: TL

Nhờ đó, chi NSNN cho KH&CN có xu hướng tăng trong gần 20 năm qua và nếu tính cả chi NSNN cho KH&CN trong quốc phòng, an ninh, đặc biệt là chi từ nguồn ưu đãi thu nhập tính thuế, thì chi NSNN cho phát triển KH&CN cũng đã được đảm bảo ở mức 2%/tổng chi NSNN.

Năm 2020, tổng dự toán chi sự nghiệp KH&CN đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng dự toán chi NSNN sự nghiệp KH&CN đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết về phân bổ ngân sách hàng năm là 59.529 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với giai đoạn 2001-2005, tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2005-2010, và giảm nhẹ 8,4% so với giai đoạn 2011-2015.

Nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí

Hiện nay chính sách ưu đãi thuế đối với KH&CN được quy định tổng thể tại Điều 64 Luật KH&CN 2013, theo đó các nội dung được nhận ưu đãi bao gồm: Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao...

Trên cơ sở quy định này, các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí được thể hiện cụ thể trong các văn bản có liên quan như: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT); Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Phí và lệ phí; Nghị định 54/2016/NĐ-CP; Nghị định 13/2019/NĐ-CP; Thông tư 03/2021/TT-BTC…

Về thuế TNDN, miễn thuế TNDN đối với các loại thu nhập như thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; thu nhập là khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ngoài việc được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo thì các doanh nghiệp thực hiện dự án loại này được áp dụng thuế suất 10%, trong thời gian 15 năm khi tính thuế TNDN.

Về thuế GTGT, ưu đãi thuế với một số hàng hóa, dịch vụ phục vụ phát triển KH&CN, bao gồm: Đối tượng không chịu thuế GTGT “Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ”; áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học; dịch vụ KH&CN.

Về thuế xuất nhập khẩu, miễn thuế đối với một số mặt hàng để phát triển KH&CN, bao gồm: Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất; hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, đổi mới công nghệ.

Về phí, lệ phí, các doanh nghiệp KH&CN được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Các chính sách ưu đãi được xây dựng và triển khai phù hợp, đồng bộ đã tạo ra sức bật mạnh mẽ cho nền KH&CN. Theo Bộ KH&CN, Việt Nam hiện có khoảng 4.080 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN (tăng gấp gần 2 lần so với năm 2014), trong đó có 1.900 tổ chức công lập và trên 2.192 tổ chức ngoài công lập. Có khoảng 173.000 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Phát triển KH&CN đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2020, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam ở vị trí 42 trên 131 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng, tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với xếp hạng năm 2016. Hiện Việt Nam xếp thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia về chỉ số GII./.

Hải Hà

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam