Giảm thủ tục cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp

10:17 | 12/05/2021 Print
(TBTCVN) - Tổng cục Hải quan đã có nhiều đề xuất nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu,trong đó đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc là một những hoạt động nổi bật được các bộ, ngành ghi nhận đã được triển khai hiệu quả trong thời gian vừa qua.

Cán bộ Hải quan Hải Phòng giải quyết thủ tục nhập khẩu

Cán bộ Hải quan Hải Phòng giải quyết thủ tục nhập khẩu cho doanh nghiệp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Duy Hải

155.000 phương tiện nhập khẩu không phải xác nhận tờ khai nguồn gốc

Ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Bộ Tài chính đã thống nhất với các bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải (GTVT) và có tờ trình (số 11098/BTC-TCHQ ngày 14/9/2020) báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu. Nội dung đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thí điểm, tại Nghị quyết số 169/NQ-CP (ngày 11/11/2020).

Để triển khai Nghị quyết số 169/NQ-CP, Bộ Tài chính đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với thủ tục cấp đăng ký, biển số xe. Theo đó, dữ liệu từ các cơ quan thuế, đăng kiểm, hải quan sẽ được chuyển đến cơ quan đăng ký xe của Bộ Công an để thực hiện cấp Giấy đăng ký phương tiện cho cá nhân, tổ chức theo quy định tại Thông tư số 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành công văn hướng dẫn việc khai và chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu. Cơ quan hải quan cũng dừng thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc từ ngày 1/12/2020 đối với các phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu, thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an.

Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan cho biết thêm, với sự nỗ lực vào cuộc, tính từ khi bắt đầu triển khai thí điểm đến nay, cơ quan hải quan đã đồng bộ cung cấp thông tin cho hơn 155.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu, mang lại lợi ích thiết thực cả về thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Trước đây, khi làm thủ tục đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có nguồn gốc nhập khẩu, chủ phương tiện phải nộp cho cơ quan hải quan đăng ký chứng từ chứng minh phương tiện có nguồn gốc nhập khẩu là tờ khai nguồn gốc xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu theo mẫu của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, thủ tục cấp tờ khai nguồn gốc theo quy định rất phức tạp, phải qua 5 lần thực hiện thủ tục hành chính, gây tốn kém cho các cơ quan quản lý và DN nhập khẩu. Trước đây, khi chưa bãi bỏ thủ tục này, cơ quan hải quan mất từ 1 - 2 giờ làm việc để xử lý 1 bộ tờ khai nguồn gốc. DN nhập khẩu mất ít nhất từ 2 đến 5 ngày làm việc để chuẩn bị hồ sơ và nhận kết quả; chi phí làm hồ sơ và đi lại bình quân khoảng 100.000 đồng/tờ khai.

Phát triển hải quan số

Ông Lê Đức Thành cho biết thêm, trong những năm gần đây, Tổng cục Hải quan luôn là đơn vị tiên phong trong cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hải quan điện tử, DVCTT vào các khâu nghiệp vụ hải quan nhằm mang lại nhiều tiện ích cho cả cơ quan nhà nước và cho người dân, DN.

Điển hình như, với nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kể từ năm 2017, cơ quan hải quan đã triển khai cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử (theo Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg). Theo đó, Cổng thông tin tờ khai hải quan đã ra đời trong nỗ lực kết nối với các bộ ngành của cơ quan hải quan, cung cấp tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Nhờ đó, các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các thủ tục hành chính khác; kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Các tổ chức tín dụng sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, thủ tục thanh toán qua ngân hàng. Các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công thương ủy quyền.

Cũng theo ông Lê Đức Thành, ngành Hải quan đã và đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về phát triển hải quan số, trong đó chú trọng việc triển khai DVCTT. Đến nay, ngành Hải quan đã cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 cho 200/236 thủ tục hành chính chiếm 85% tổng số thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, có 194 thủ tục đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 82,2%) và đều là những thủ tục cốt lõi.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan cũng đang phấn đấu cung cấp thêm DVCTT mức độ 3, 4 đối với 22 thủ tục hành chính và sẽ tích hợp thêm 26 DVCTT mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào cuối năm 2021, nâng tổng số thủ tục hành chính về hải quan kết nối tham gia Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 98 thủ tục.

Thủ tục giảm, lợi ích tăng

Việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu đã mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp. Nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết đã được bãi bỏ; các dữ liệu nguồn gốc của phương tiện trên hệ thống đảm bảo độ chính xác; qua đó đã hạn chế được tình trạng làm giả hồ sơ giấy tờ, phù hợp với bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hải Linh

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam