Vẫn ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công

10:01 | 05/05/2021 Print
(TBTCVN) - Hết 4 tháng đầu năm 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp. Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các địa phương cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ.

Việc phân bổ vốn đầu tư công chậm sẽ gây lãng phí nguồn lực.

Việc phân bổ vốn đầu tư công chậm sẽ gây lãng phí nguồn lực.

Các nguyên nhân làm tỷ lệ giải ngân thấp

Tổng hợp từ Bộ Tài chính cho thấy, có một số nguyên nhân cơ bản làm cho tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong cả nước chưa cao.

Cụ thể, về công tác giải phóng mặt bằng, hiện có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận. Hơn nữa, công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân chiếm, không thể xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi. Quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất tại một số nơi chưa chặt chẽ, chưa công khai minh bạch đã dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, do không nắm vững các quy định của pháp luật về công tác thu hồi đất nên chính quyền cấp cơ sở ngại va chạm với người dân.

Về công tác đấu thầu hiện nay chủ yếu do các cơ quan thực thi, một số nơi còn chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu. Do đó, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đáng chú ý, nhiều dự án trong quá trình thi công đã phát sinh vướng mắc do giá vật liệu xây dựng tăng cao so với thời điểm duyệt dự toán…

Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện các dự án ODA còn nhiều vướng mắc nhất nên tỷ lệ giải ngân của các dự án chưa cao.

Đơn cử như việc chưa có khối lượng giải ngân. Tổng giá trị khối lượng hoàn thành của các dự án ODA được Kho bạc Nhà nước xác nhận chỉ đạt 1,7% dự toán, do nhiều dự án đang ở giai đoạn mời thầu, đấu thầu lại, phê duyệt hợp đồng, trình phê duyệt quy hoạch. Bên cạnh đó, một số dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng phải chờ các xác nhận, đối chiếu khối lượng 3 bên giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn nên chưa thể chốt số liệu để kiểm soát chi và đề xuất giải ngân.

Ngoài ra, theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh hiệp định vay nào dẫn đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước. Trong khi đó, quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án ODA thường phức tạp, kéo dài dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.

Sự chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC (mẫu Hợp đồng do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn phát hành) và quy định trong nước tiếp tục là vấn đề nổi cộm của nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi. Nguyên nhân này thuộc trách nhiệm của chủ dự án và ban quản lý dự án…

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với các dự án vốn nước ngoài vẫn còn kéo dài do nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, Covid-19 dẫn đến việc thời gian nhận được ý kiến không phản đối của các nhà tài trợ kéo dài.

Mới giải ngân trên 18% kế hoạch vốn

Với các nguyên nhân được chỉ ra nên ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư 4 tháng đầu năm đạt trên 86.010 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%). Trong đó, vốn trong nước đạt trên 20%; vốn nước ngoài đạt trên 2%. Như vậy, tốc độ giải ngân vốn ODA đang rất thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%).

Trước tốc độ “ì ạch” này, Bộ Tài chính đang đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã.

Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương xây dựng và ban hành chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đi đôi với đó, các bộ ngành, địa phương thực hiện rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.

Đối với các dự án ODA, các bộ, ngành, địa phương cần bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng theo cam kết; nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị dự án, bảo đảm sẵn sàng thực hiện khi dự án được phê duyệt.

Phê bình các địa phương không thực hiện báo cáo thường xuyên


Theo quy định, hàng tháng các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo về tiến độ giải ngân về Bộ Tài chính đảm bảo thời gian quy định. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện có một số địa phương hàng tháng đều không có báo cáo đảm bảo thời gian. Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình 38 địa phương và 40 bộ, cơ quan trung ương không nghiêm túc chấp hành chế độ báo cáo tình hình thanh toán và thực hiện vốn đầu tư công năm 2021, đặc biệt là các địa phương thường xuyên không báo cáo đảm bảo thời gian quy định.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam