Thực hiện chi phổ biến pháp luật đến khi có chính sách tiền lương mới

08:59 | 05/05/2021 Print
Trước kiến nghị về sửa một số quy định liên quan đến mức chi cho công tác phổ biến pháp luật, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về chính sách cải cách tiền lương, nên tiếp tục áp dụng các quy định khi có chính sách tiền lương mới.

tiền

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, các nội dung chi và mức chi phổ biến giáo dục pháp luật vẫn đảm bảo tính ổn định và khả thi. Ảnh:TL.

Cử tri tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, sớm ban hành văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BC-BTP về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Cử tri Quảng Bình đề nghị sửa quy định theo hướng quy định nội dung chi và mức chi rõ ràng, cụ thể, hợp lý hơn để việc vận dụng thanh quyết toán được thuận lợi, phù hợp tình hình thực tiễn.

Theo cử tri Quảng Bình, cần bổ sung quy định cụ thể về kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật, kinh phí đảm bảo về cơ sở vật chất, phương pháp phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như đảm bảo cho các hoạt động hòa giải cơ sở. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ cho phát thanh thông qua hệ thống đài phát thanh xã, phường, loa truyền thanh cơ sở lên 50.000 đồng/lần với tiếng Việt và 70.000 đồng/lần đối với tiếng dân tộc.

Bên cạnh đó, cần quy định chế độ hỗ trợ kiêm nhiệm cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Bộ Tài chính cho biết, đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát đánh giá Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, các nội dung chi và mức chi tại thông tư vẫn đảm bảo tính ổn định và khả thi.

Theo đó, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Tư pháp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP đến khi áp dụng chính sách tiền lương mới. Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính và giao Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, công văn nêu rõ, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 theo đúng quy định tại Quyết định số 705/QĐ-TTg.

Đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở, hiện nay thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trong đó nêu rõ: Bãi bỏ các chế độ hỗ trợ ngoài lương đối với cán bộ, công chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hội thảo... (khoản 4 mục III)...

Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các bộ, địa phương, trong đó thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP đến khi áp dụng chính sách tiền lương mới./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam