Sức bật mới từ đột phá hạ tầng giao thông

21:46 | 30/04/2021 Print
(TBTCVN) - Đến năm 2030, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia sẽ phát triển, từng bước đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…

23

Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Từ nay đến năm 2030, ngành Giao thông vận tải (GTVT) sẽ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao. Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng kinh tế trọng điểm của cả nước dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 640km đường cao tốc được đầu tư đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đầu tư nhiều tuyến cao tốc trong 10 năm tới

Theo Bộ GTVT, hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đã được đầu tư xây dựng. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được nâng lên đáng kể (xếp hạng năng lực và chất lượng hạ tầng tăng từ 95/144 năm 2011 lên 67/137 năm 2019) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Đến năm 2030 sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia từng bước đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế... Đến năm 2030, hệ thống giao thông sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải với tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 4,4 tỷ tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 6,82%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 10,46 tỷ khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 7,33%/năm…

Cũng theo Bộ GTVT, đối với khu vực ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 640km đường cao tốc được đầu tư đưa vào khai thác. Ngoài 2 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được triển khai xây dựng, hàng loạt tuyến cao tốc khác ở khu vực này đã được Bộ GTVT đưa vào dự thảo quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có 2 tuyến cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuộc cao tốc Bắc - Nam từ Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng gồm Cần Thơ - Bạc Liêu dài 76km, tổng mức đầu tư 18.687 tỷ đồng và Bạc Liêu - Cà Mau dài 48km, tổng mức đầu tư 11.145 tỷ đồng.

Còn 3 tuyến cao tốc khác được quy hoạch đầu tư trong trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Mỹ An - Cao Lãnh dài 26km, tổng mức đầu tư 4.524 tỷ đồng, An Hữu - Cao Lãnh dài 30km, tổng mức đầu tư 5.998 tỷ đồng và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 180km, tổng mức đầu tư 31.483 tỷ đồng. Tiếp đến, trong giai đoạn 2025 - 2030, khu vực ĐBSCL được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng thêm 2 tuyến cao tốc khác, gồm: Hồng Ngự - Trà Vinh dài 107km, tổng mức đầu tư 5.380 tỷ đồng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 100km, tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng. Như vậy, trường hợp được cấp thẩm quyền bố trí đủ vốn và đầu tư xây dựng theo đúng lộ trình đề ra, đến năm 2030, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 640km đường cao tốc.

Theo dự thảo quy hoạch đường bộ của Bộ GTVT, đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc được đưa vào khai thác, trong đó đến năm 2025 xây mới khoảng 2.542km, đến năm 2030 xây mới khoảng 1.339km.

Tháo gỡ khó khan đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT cho biết thêm, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện có 6 dự án đang triển khai thi công, 2 dự án chuẩn bị khởi công, còn lại 3 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng. Đối với dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn khởi công từ tháng 12/2019, hiện tại mặt bằng dự án đã cơ bản hoàn thành, sản lượng hiện đạt khoảng 60%, đảm bảo hoàn thành trong năm 2021. Đoạn Cam Lộ - La Sơn (khởi công tháng 9/2019), chính quyền địa phương đã bàn giao mặt bằng 97,8/98,3km (đạt 99,5%). Sản lượng dự án đạt khoảng 36,4%.

Hiện nay, 9/11 gói thầu dự án Cam Lộ - La Sơn tiến độ chưa đạt được như mong đợi chủ yếu do ảnh hưởng của mưa bão khu vực miền Trung năm 2020. Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lập kế hoạch triển khai thi công, có giải pháp tăng cường mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án để hoàn thành dự án trong năm 2021.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tiến độ thi công các gói thầu của dự án đầu tư xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2 hiện tại rất khả quan, các kỹ sư và công nhân đang đẩy nhanh xây dựng công trình. Hiện tại, dự án đã triển khai 4 gói thầu xây lắp, còn 1 gói thầu (CW3B - trụ tháp, dầm dây văng) đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu. Trong 4 gói thầu đang triển khai thi công có 3 gói thầu vượt tiến độ gồm: XL.01, XL.02, XL.04. Riêng gói thầu XL.3A được xem là đường găng tiến độ của dự án, Ban Quản lý dự án 7 đã chỉ đạo quyết liệt nhà thầu tập trung huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân công, vật tư, vật liệu, duy trì dây chuyền thi công đúng như phương án do nhà thầu đã lập để hoàn thành khoan cọc theo tiến độ đã cam kết ngày 31/12/2021, hoàn thành công trình đúng kế hoạch năm 2023, đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Đối với 3 dự án khởi công đồng loạt từ 30/9/2020 (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), toàn bộ các gói thầu xây lắp của 3 dự án đã triển khai thi công đào bóc hữu cơ, thi công nền đường, mố, trụ cầu, cống,... dự kiến 3 dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Còn 2 dự án mới chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) dự kiến các gói thầu đầu tiên của 2 dự án sẽ khởi công trong tháng 6/2021, hoàn thành năm 2023. Cuối cùng, 3 dự án thực hiện theo hình thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng, dự kiến khởi công xây dựng trong quý II/2021.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện tại ngoài vấn đề mặt bằng cơ bản đã được giải quyết còn một khó khăn khác là nguồn vật liệu đang gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cao tốc Bắc - Nam. 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai đều gặp phải tình trạng khan hiếm vật liệu thi công, đặc biệt là nguồn vật liệu đất đắp nền đường. Nhiều nhà thầu đang thi công tại các dự án cao tốc Bắc - Nam phải mua vật liệu với giá cao gấp 2 - 3 lần so với mức công bố giá của địa phương trước đó, khiến nhiều doanh nghiệp chưa làm đã nhìn thấy lỗ. Việc khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng của các dự án cao tốc Bắc - Nam. Giá thép cũng tăng rất cao gấp 1,5 lần lúc đấu thầu.

Trước đó, khảo sát và tính toán của các đơn vị tư vấn, nguồn vật liệu đất đắp tại các địa phương phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam không thiếu. Tuy nhiên, nhiều mỏ dù đã nằm trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn bị “treo” do chưa được cấp phép. Trong khi đó, các mỏ đang khai thác có trữ lượng ít và công suất quá nhỏ, khiến nguồn cung thiếu trầm trọng, các chủ mỏ thi nhau đẩy giá gây khó khăn cho nhà thầu.

Về vấn đề này được biết Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ: GTVT, Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long yêu cầu đảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ và địa phương trên thực hiện nghiêm Chỉ thị 07 ngày 21/3/2019 của Thủ tướng, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án. Nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá để giải quyết triệt để vấn đề này góp phần đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia từng bước đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế... Đến năm 2030, hệ thống giao thông sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải với tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 4,4 tỷ tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 6,82%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 10,46 tỷ khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 7,33%/năm…

Trí Dũng – Văn Nam

Trí Dũng – Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam