Kỳ vọng vươn mình của đô thị lớn nhất nước

18:47 | 30/04/2021 Print
(TBTCVN) - Sau 46 năm đất nước thống nhất, TP. Hồ Chí Minh đã có những bứt phá vượt bậc ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về quy mô kinh tế, năng lực tài chính, tầm vóc cũng như diện mạo, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

20

Chính quyền TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, các thành phần kinh tế

Mặc dù vậy, lãnh đạo thành phố vẫn chưa bằng lòng với thực tại, khi tiếp tục có những động thái lẫn giải pháp mạnh mẽ hơn trong quản lý điều hành nhằm đưa đô thị lớn nhất nước này tiếp tục vươn mình tăng trưởng.

Thành phố trong lòng thành phố

Một trong những thay đổi quan trọng và rõ nhất gần đây của TP. Hồ Chí Minh là sự ra đời của TP. Thủ Đức, trên cơ sở sáp nhập các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Thành phố được thành lập cuối năm 2020 và đã chính thức hoạt động vào những tháng đầu năm nay. Đây là thành phố có vị trí rất quan trọng, giữ vai trò kết nối với sân bay Long Thành, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và nhiều động lực phát triển khác.

TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số PCI hàng năm của thành phố; khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp nhằm cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.

Bản thân TP. Thủ Đức cũng có nhiều tiềm năng hiện hữu, như khu công nghệ cao đang phát huy tác dụng rất tốt; kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh, được kỳ vọng đóng góp 30% GDP cho thành phố. Đây cũng là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn lớn như Intel, Samsung…, có làng đại học với chủ lực là Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh bên cạnh Đại học Fulbright, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật... đảm bảo cung ứng tốt nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, TP. Thủ Đức còn có Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi dự kiến đặt trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Như vậy, với 3 trục chủ lực về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính, TP. Thủ Đức sẽ hình thành nên một tam giác phát triển rất quan trọng sắp tới.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, cốt lõi việc hình thành TP. Thủ Đức là tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trên nền tảng kinh tế tri thức từ các trụ cột sẵn có. Dự kiến 1 triệu cây xanh sẽ được trồng để biến nơi đây thành thành phố xanh, thân thiện môi trường. Tất cả những việc trên sẽ thay đổi nhanh chóng diện mạo TP. Thủ Đức, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…

Theo Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, việc thành lập TP. Thủ Đức là triển khai ý tưởng phát triển, xây dựng thành phố về phía Đông, với mong muốn giãn ra các khu vực vệ tinh thay vì tập trung vào quận 1 nhằm giảm áp lực giao thông và nhiều vấn đề khác trong đô thị hiện hữu. Nếu phát triển tốt đô thị phía Đông này, rất có thể trong tương lai TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm thành phố phía Tây, phía Bắc hay phía Nam.

Tăng cường thu hút đầu tư

Chính quyền TP. Hồ Chí Minh lấy năm 2021 là năm chủ đề thực hiện “xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, bên cạnh các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra phải đạt được khác, đồng thời đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 song song với phục hồi và phát triển kinh tế.

Để đạt được những mục tiêu này, chính quyền TP. Hồ Chí Minh mới đây đã ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số PCI hàng năm của thành phố; khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp nhằm cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư theo hướng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh giúp các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững; cải thiện ngay chỉ số PCI của thành phố từ năm đầu nhiệm kỳ, tăng điểm và tăng hạng qua từng năm, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 đứng trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số PCI.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, kế hoạch được triển khai với 10 nhóm giải pháp cụ thể gồm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn thành phố; tiếp cận hiệu quả nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học công nghệ; nhóm giải pháp về đầu tư công; nhóm giải pháp về quy hoạch và xây dựng; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, tiếp cận nguồn lực tài chính; hoàn thiện thiết chế pháp lý, nâng cao ý thức thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị - xã hội…; khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh và lấy lại đà phát triển cho thành phố.

Hình thành tam giác phát triển quan trọng

TP. Thủ Đức có nhiều tiềm năng hiện hữu, như khu công nghệ cao đang phát huy tác dụng rất tốt; kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng đóng góp 30% GDP cho thành phố. Đây cũng là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn lớn như Intel, Samsung…, có làng đại học với chủ lực là Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh bên cạnh Đại học Fulbright,

Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật... đảm bảo cung ứng tốt nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, TP. Thủ Đức còn có Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi dự kiến đặt trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Với 3 trục chủ lực về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính, TP. Thủ Đức sẽ hình thành nên một tam giác phát triển rất quan trọng sắp tới.

Đỗ Doãn

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam