Mức dư nợ tối đa tăng theo quy mô thu ngân sách địa phương

11:08 | 28/04/2021 Print
Theo Bộ Tài chính, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp, nhằm đảm bảo cân đối giữa thu ngân sách và vay nợ của chính quyền địa phương. Trường hợp quy mô thu địa phương tăng lên thì mức dư nợ tối đa cũng tăng.

đường sá

Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Ảnh: TL.

Cử tri tỉnh Cà Mau cho rằng, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, tác động mạnh đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Cà Mau. Việc đầu tư các dự án, công trình xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó biến đổi khí hậu là rất cần thiết, nhưng khó kêu gọi để thu hút đầu tư.

Để đầu tư các dự án này, địa phương phải vay lại 50% vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi (riêng vốn đối ứng, địa phương phải tự bố trí) trong điều kiện ngân sách của tỉnh rất khó khăn, thu không đủ chi.

Do đó, cử tri tỉnh này kiến nghị cấp thẩm quyền sớm xem xét, có cơ chế cấp phát toàn bộ (100%) vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi cho các dự án xây dựng các công trình dự án nêu trên, để địa phương triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính cho biết, việc cho vay lại chính quyền địa phương theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP dựa trên nguyên tắc cho phép chính quyền địa phương cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ động trong việc huy động nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Việc vay vốn để thực hiện các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo thứ tự ưu tiên của địa phương, căn cứ theo khả năng tự cân đối ngân sách của địa phương và không phân biệt theo tính chất dự án.

Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Quy định này nhằm đảm bảo trong việc cân đối ngân sách địa phương giữa thu ngân sách và vay nợ của chính quyền địa phương. Trường hợp quy mô thu ngân sách địa phương tăng lên thì mức dư nợ tối đa cũng tăng lên, theo đó các tỉnh có thể mở rộng khả năng huy động vốn. Còn tỷ lệ cấp phát và cho vay lại theo Nghị định số 97/2018/NĐ-CP là cơ chế tài chính nhằm tăng trách nhiệm của người sử dụng vốn vay; đồng thời có sự chia sẻ giữa Trung ương và địa phương trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Đối với Cà Mau, tỷ lệ trợ cấp của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2020 là 39%. Trong giai đoạn 2018-2020, Cà Mau thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối ngân sách dưới 50%, theo đó tỷ lệ vay lại vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài là 50%; phần còn lại (50%) là hỗ trợ có mục tiêu (cấp phát) của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam