Tận dụng tháng CPI tăng thấp để điều chỉnh giá, tránh lạm phát kỳ vọng

14:21 | 18/04/2021 Print
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2021, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để thực hiện, nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.

rau củ

Giá rau củ quả những tháng đầu năm ổn định do nguồn cung dồi dào. Ảnh: T.T.

Không tăng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ để kiểm soát CPI

Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn vừa qua, mặt bằng giá cả thị trường có xu hướng tăng giảm đan xen, khó dự báo do chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi liên tục và phức tạp trước diễn biến của dịch bệnh Covid – 19; Bên cạnh đó, do tác động tình hình bão, lũ, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan nên mặt bằng giá cũng có những biến động tăng cục bộ trong ngắn hạn tại một số địa phương.

Trong bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu được triển khai thận trọng, đúng theo chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn được điều hành theo hướng giữ ổn định mặt bằng giá, một số mặt hàng có chính sách giảm giá kịp thời hỗ trợ các đối tượng tiêu dùng..., một số mặt hàng không xem xét tăng giá dù các yếu tố chi phí đầu vào có xu hướng tăng; qua đó đã góp phần giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ sự phục hồi của sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, giá điện được giảm cho tất cả các đối tượng sử dụng trong quý II và quý IV2020 đã phần nào làm giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; giá nước sạch cũng được thực hiện giảm tại hầu hết các địa phương trong quý II/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Giá xăng dầu được điều hành linh hoạt, kết hợp với việc sử dụng quỹ bình ổn giá góp phần giúp giá không tăng sốc trong những thời điểm giá xăng dầu thế giới lên cao. Giá một số dịch vụ trong lộ trình điều chỉnh nhưng không tăng hoặc hạn chế mức tăng như dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục; giá nhiều mặt hàng trong danh mục nhà nước định giá cũng được xem xét giảm giá như dịch vụ hàng không…

Kết quả, CPI bình quân năm 2020 được kiểm soát ở mức 3,23% so với cùng kỳ năm 2019, đã đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra trong năm 2020. Từ đó, đã góp phần vào kết quả công tác kiểm soát lạm phát cả nhiệm kỳ 5 năm qua đều thực hiện tốt theo mục tiêu đã đề ra.

Điều chỉnh giá phải tính toán kỹ lưỡng

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%.

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Thông báo số 655/VPCP-KTTH của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá năm 2021, một trong các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là kiên quyết kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đồng thời, đảm bảo CPI ở mức hài hòa nhằm kiểm soát lạm phát bền vững, cũng như góp phần thúc đẩy hồi phục tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng các kế hoạch hành động, triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành giá.

Cụ thể, đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2021 với tinh thần thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao và dịp cuối năm. Bên cạnh đó, chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu thường tăng cao vào dịp lễ Tết để hạn chế tăng giá.

Theo Bộ Tài chính, cần đặc biệt chú trọng việc chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân tại các địa phương miền Trung đã chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá cục bộ trong dịp Tết ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống người dân.

Cùng với đó, thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên đề việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Bộ cũng sẽ triển khai tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo; chú trọng việc đánh giá, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng, mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo kịp thời. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để thực hiện, nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.

Được biết, lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng 2/2021, tăng 0,73% so với cùng kỳ 2020. Bình quân quý I/2021 lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,29%) chủ yếu do giá mặt hàng xăng, dầu và điện sinh hoạt giảm mạnh so với cùng kỳ 2020. Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và quý I/2021 so với cùng kỳ 2020 đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam