Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi sang kho bạc số

10:38 | 14/04/2021 Print
(TBTCVN) - Trở thành kho bạc điện tử, Kho bạc Nhà nước đã vắng bóng khách hàng đến giao dịch. Tuy nhiên, lượng hồ sơ, chứng từ giấy vẫn còn khá nhiều. Hiện Kho bạc Nhà nước đang xây dựng Chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021 - 2030 với đích đến là kho bạc số.

Tiến tới kho bạc số sẽ hạn chế các giao dịch trực tiếp.

Tiến tới kho bạc số sẽ hạn chế các giao dịch trực tiếp.

Theo đó, sau khi có sự nghiên cứu mô hình của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, một mô hình tổng quát các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đang được Kho bạc Nhà nước đưa ra để thực hiện cho giai đoạn này.

Các nghiệp vụ được chia sẻ với nhau trên môi trường mạng

Trong giai đoạn 2021 - 2030, để chuyển đổi sang kho bạc số, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đưa ra mô hình tổng quát các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với các định hướng cải cách về nghiệp vụ thuộc chức năng của KBNN (quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), kế toán nhà nước).

Cụ thể, về quản lý quỹ NSNN, phân hệ này được triển khai mở ra trên internet để cung cấp dịch vụ thu NSNN trực tuyến cho người nộp (thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính) thông qua các nền tảng số hóa như máy tính, ứng dụng di động thông minh, quét mã QR code… từ đó hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về thu NSNN cung cấp thông tin cho người nộp, các cơ quan quản lý. Phân hệ này kết nối dữ liệu điện tử trực tuyến thời gian thực với hệ thống ngân hàng, hệ thống cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan phạt vi phạm hành chính, các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính (các trung tâm hành chính). Đồng thời, phân hệ này có kết nối với phân hệ sổ cái kế toán nhà nước nhằm hạch toán kịp thời nhanh chóng nội dung kế toán thu NSNN.

Giai đoạn 2021 - 2023, Kho bạc Nhà nước thực hiện cải cách công tác thu ngân sách Nhà nước

Giai đoạn 2021 – 2023, Kho bạc Nhà nước thực hiện cải cách công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) nhằm cung cấp dịch vụ tất cả các khoản thanh toán thu NSNN trực tuyến (có sử dụng mã số định danh các khoản phải thu NSNN, mã số định danh cho các khoản thực thu NSNN); hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ tất cả các khoản thu NSNN. Xây dựng và triển khai dịch vụ trực tuyến phân bổ NSNN nhằm chuyển đổi từ nền tảng phân bổ trên TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) trong mạng nội ngành tài chính sang phân bổ trên cổng trực tuyến trên mạng internet.

Về lĩnh vực kế toán nhà nước, phân hệ Dịch vụ kế toán nhà nước cho phép đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) thực hiện một trong hai lựa chọn: Nếu đơn vị HCSN có hệ thống ứng dụng kế toán thì kết nối tích hợp với cổng dịch vụ kế toán nhà nước các dữ liệu điện tử theo kế toán đồ COA chung giữa đơn vị và KBNN; nếu đơn vị HCSN không có hệ thống ứng dụng kế toán thì thực hiện kế toán trực tuyến trên cổng dịch vụ kế toán nhà nước do KBNN cung cấp. Dữ liệu về kế toán được chuyển từ dịch vụ kế toán nhà nước vào phân hệ sổ cái kế toán nhà nước nhằm tổng hợp các thông tin của lĩnh kế toán nhà nước. Tại các đơn vị thuộc hệ thống KBNN, các nội dung kế toán được thực hiện trên phân hệ sổ cái kế toán nhà nước.

Phân hệ kho dữ liệu kế toán nhà nước và nghiệp vụ KBNN là kho dữ liệu có đầy đủ các thông tin về các lĩnh vực kế toán nhà nước, quỹ NSNN, ngân quỹ nhà nước và huy động vốn. Từ kho dữ liệu sẽ thực hiện các báo cáo về thực thi ngân sách, quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước.

Về quản lý ngân quỹ và huy động vốn, KBNN đã vận hành hệ thống quản lý ngân quỹ và hệ thống quản lý trái phiếu phát hành lô lớn từ năm 2019 với các chức năng chính về dự báo dòng tiền và năm 2020 nâng cấp để tổ chức thầu, lựa chọn ngân hàng gửi ngân quỹ nhà nước. Trong mô hình tổng quát, 2 hệ thống này được mở rộng bổ sung tiếp các chức năng liên quan đến công tác quản lý rủi ro ngân quỹ, công tác đầu tư ngân quỹ, chu trình phát hành, thanh toán trái phiếu khi có yêu cầu.

Các cơ quan, đơn vị cần có cơ sở dữ liệu liên thông với kho bạc

Đây là mô hình được KBNN đưa ra để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030. Theo KBNN, để triển khai mô hình tổng quát các ứng dụng CNTT thì các cơ chế, chính sách, quy trình quản lý nghiệp vụ cần phải được nghiên cứu, xây dựng, ban hành chuẩn mực kế toán công áp dụng tại Việt Nam.

Về cơ chế chính sách CNTT, Nhà nước cần xây dựng và ban hành văn bản pháp lý về định danh trên hệ thống CNTT cũng như văn bản pháp lý về chia sẻ dữ liệu bắt buộc giữa các tổ chức, cơ quan đơn vị trong phạm vi cả nước.

Đặc biệt, rất cần sự sẵn sàng của các cơ quan đơn vị có liên thông trong mô hình, bởi mô hình chỉ có thể khả thi khi ở các cơ quan đơn vị liên quan có các dữ liệu điện tử được liên thông với KBNN và điều kiện cần có là các chính sách - quy trình quản lý ở các tổ chức, cơ quan có liên quan cũng được cải cách và ban hành thành văn bản pháp lý và hệ thống CNTT của các tổ chức này cũng được xây dựng và triển khai với lộ trình phù hợp với hệ thống KBNN.

Điều kiện về nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng cơ chế chính sách và trong nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thừa hành cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực kho bạc (thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ NSNN, kế toán nhà nước). Ngoài ra, nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án cải cách hiện đại hóa cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công mô hình các hệ thống ứng dụng CNTT trong quá trình chuyển đổi số của KBNN.

Cùng với dự thảo Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 đang được trình Chính phủ, KBNN cũng đưa ra lộ trình xây dựng và triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT cho giai đoạn này.

Theo đó, cả giai đoạn 2021 – 2023, KBNN thực hiện cải cách công tác thu NSNN nhằm cung cấp dịch vụ tất cả các khoản thanh toán thu NSNN trực tuyến (có sử dụng mã số định danh các khoản phải thu NSNN, mã số định danh cho các khoản thực thu NSNN); hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ tất cả các khoản thu NSNN. Xây dựng và triển khai dịch vụ trực tuyến phân bổ NSNN nhằm chuyển đổi từ nền tảng phân bổ trên TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) trong mạng nội ngành Tài chính sang phân bổ trên cổng trực tuyến trên mạng internet.

Với từng giai đoạn cụ thể như giai đoạn 2022 – 2025, KBNN thực hiện cải cách đồng bộ và thống nhất giữa ngành Tài chính và ngành Kế hoạch đầu tư nhằm đồng bộ hóa các chính sách nghiệp vụ về quản lý đầu tư công và NSNN để kết nối liên thông phục vụ quá trình mua sắm công và chi NSNN (kiểm tra trực tuyến dự toán trước khi đấu thầu qua mạng, ký hợp đồng điện tử và cam kết chi trung hạn, thực hiện dành dự toán cho khoản chi đã có cam kết, thực hiện hóa đơn điện tử…).

Giai đoạn 2023 – 2030, KBNN thực hiện những cải cách về kế toán nhà nước như đưa vào ban hành chuẩn mực kế toán công áp dụng tại Việt Nam; hoàn thiện kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp và kế toán NSNN để hình thành kế toán nhà nước; đồng thời nghiên cứu xây dựng và triển khai cổng dịch vụ kế toán nhà nước, sổ cái kế toán nhà nước, kho dữ liệu kế toán nhà nước và nghiệp vụ KBNN, trên cơ sở đó lập báo cáo quyết toán và báo cáo tài chính nhà nước trực tiếp từ Kho dữ liệu kế toán nhà nước và nghiệp vụ KBNN.

Trong suốt quá trình thực hiện, nền tảng tích hợp và chia sẻ, dịch vụ báo cáo và dữ liệu mở được xây dựng song song ngay từ giai đoạn đầu và được bổ sung mở rộng ở từng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 để hình thành dần dần và tiến đến hoàn thiện nền tảng tích hợp/chia sẻ và dịch vụ báo cáo/dữ liệu mở đầy đủ cho cả giai đoạn 2021 - 2030. Trong tiến trình đó các hệ thống về quản lý ngân quỹ, về quản lý trái phiếu cũng được hoàn thiện khi có yêu cầu nghiệp vụ.

Cung cấp các loại báo cáo trên nền tảng internet

Trong mô hình tổng quát các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số của Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng đưa ra dịch vụ báo cáo và cung cấp dữ liệu mở. Theo đó, với cơ sở dữ liệu tập trung về quỹ ngân sách Nhà nước, kế toán nhà nước, ngân quỹ nhà nước và huy động vốn, Kho bạc Nhà nước cung cấp dịch vụ các loại báo cáo khác nhau thuộc các chức năng quản lý của mình trên nền tảng internet với các công cụ đa kênh bao gồm các báo cáo theo mẫu mã quy định, các báo cáo thuộc dịch vụ báo cáo phục vụ các user khác nhau, các dữ liệu mở công khai ra công chúng, dữ liệu mở có phân quyền, dữ liệu mở theo các thỏa thuận…

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam