Tạo cơ chế đột phá để hướng tới tăng trưởng cao, bền vững

19:33 | 09/04/2021 Print
(TBTCVN) - Việc xây dựng một hệ thống thể chế có chất lượng ở nhóm nước đứng đầu khu vực để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn là một thách thức không nhỏ,đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành....

dn

Hệ thống thể chế có chất lượng không tốt sẽ có nguy cơ tạo ra một số tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

"Chất lượng thể chế kinh tế của nước ta đã có những cải thiện mạnh mẽ so với những năm trước đây, tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống thể chế có chất lượng ở nhóm nước đứng đầu khu vực để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn là một thách thức không nhỏ,đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, để tạo nền tảng cho kinh tế đất nước tăng trưởng cao và bền vững trong những thập niên tiếp theo…". Đây là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, thể chế kinh tế được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) và nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) của nền kinh tế. Theo đó, thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chương trình cải cách, vậy ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện các chương trình cải cách này?

Ông Phan Đức Hiếu: Có thể thấy trong thời gian qua, nhất là trong 5 năm (2016 - 2020), Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có rất nhiều chương trình cải cách thể chế, theo đó, trong 5 năm đã có 5 nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, cùng với hàng chục nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ được ban hành với những chương trình cải cách mạnh mẽ, từ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao NLCT của nền kinh tế.

hieu
Ông Phan Đức Hiếu

Cụ thể, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá nước ta là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu về NLCT (GCI), tăng 10 bậc giai đoạn 2017 – 2019 (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã tăng 17 bậc giai đoạn 2016 – 2019. Tính từ năm 2014, thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta tăng 8 bậc (xếp hạng vị trí 70 năm 2019)… Hay kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về cảm nhận của DN đối với Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, khi tỷ lệ DN phản hồi gặp khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm xuống còn 34% (năm 2019) so với tỷ lệ 42% năm 2018…

Tuy nhiên, những kết quả đạt được như nêu trên chưa hoàn toàn đạt được so với mục tiêu đã đặt ra và kỳ vọng của cộng đồng DN nói chung.

Đơn cử, NLCT 4.0 của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN; chất lượng môi trường kinh doanh được cải thiện (qua việc tăng điểm) nhưng còn chậm, trong khi các nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn. Trong ASEAN, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thứ 5 và việc đạt mục tiêu đưa môi trường kinh doanh nước ta vào nhóm 4 nước ASEAN và duy trì trong đó vẫn là một thách thức. Hay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về chỉ số chất lượng hệ thống pháp luật thì nước ta cũng ở mức thấp, thấp hơn mức trung bình của thế giới và các nước cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

PV: Vậy chất lượng thể chế vẫn còn hạn chế sẽ có những tác động như thế nào đến cộng đồng DN và nền kinh tế, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu: Thực tiễn nước ta và quốc tế cho thấy, hệ thống thể chế có chất lượng không tốt sẽ có nguy cơ tạo ra một số tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, làm suy giảm sức cạnh tranh và sự năng động của DN và nền kinh tế.

Trước hết đó là làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật. Chi phí tuân thủ pháp luật gồm 5 loại chi phí mà DN phải bỏ ra trong quá trình thực thi pháp luật gồm: thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; khoản phí, lệ phí phải nộp; chi phí đầu tư để thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của quy định pháp luật; chi phí cơ hội và chi phí phi chính thức. Khi chi phí tuân thủ pháp luật lớn sẽ là nguyên nhân chính làm giảm NLCT và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

Thứ hai là gây thêm rủi ro cho DN, rủi ro này rất đa dạng có thể là việc mất cơ hội kinh doanh, bị xử phạt, gây ra tranh chấp pháp lý…, và những rủi ro này bắt nguồn từ quy định pháp luật không rõ ràng, chồng chéo, không phù hợp, chậm trễ trong giải quyết thủ tục của cơ quan công quyền… Khi những rủi ro trên gia tăng sẽ làm suy giảm niềm tin và tinh thần kinh doanh của DN, thậm chí có thể làm phá sản DN.

Thứ ba là hạn chế sáng tạo, năng động của DN và nền kinh tế. Thực tiễn ở nước ta đã cho thấy nhiều quy định pháp luật cứng nhắc, áp đặt phương thức sản xuất kinh doanh đã tạo rào cản đối với đổi mới, sáng tạo của DN, ví dụ như các quy định: yêu cầu văn phòng có diện tích tối thiểu, phải có tối thiểu máy móc, công cụ gì, công suất bao nhiêu… Ngoài ra, thể chế kinh tế không tốt cũng có thể làm cản trở việc gia nhập thị trường của DN, hạn chế cạnh tranh lành mạnh…

PV: Từ những điều chia sẻ ở trên, theo ông, cần có định hướng cải cách thể chế như thế nào trong thời gian tới?

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi cho rằng, trước hết, cần tiếp tục coi hoàn thiện thể chế kinh tế là một trụ cột quan trọng nhất trong các đột phá chiến lược, nhằm hướng tới tăng trưởng cao và bền vững.

Thứ hai, cần định hướng xây dựng hệ thống thể chế chất lượng cao, theo đó cần sự đổi mới mạnh mẽ hơn, bỏ đi những quy định không còn phù hợp, xây dựng thể chế mới theo yêu cầu phát triển mới. Đồng thời, tư duy xây dựng hệ thống thể chế mới phải dựa trên nguyên tắc: thay tư duy “quản lý” bằng tư duy “thúc đẩy” sự phát triển dựa trên nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng hệ thống thể chế chất lượng cao, cần phải cụ thể hóa các tiêu chí, đặc điểm của một thể chế tốt, chứ không nên dừng lại ở các tiêu chí chung chung như: đầy đủ, hiện đại, hội nhập, ổn định…. Theo đó, các tiêu chí cần cụ thể hóa có thể bao gồm: theo nguyên tắc thị trường (tức thể chế phải khuyến khích được cạnh tranh và đảm bảo tiếp cận nguồn lực, phân bổ nguồn lực và huy động nguồn lực theo nguyên tắc thị trường); thuận lợi và chi phí tuân thủ thấp; ít rủi ro và đảm bảo an toàn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành, phát triển các mô hình kinh doanh mới…

PV: Xin cảm ơn ông!

Nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số tốt


Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá nước ta là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu về NLCT (GCI), tăng 10 bậc giai đoạn 2017 – 2019 (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã tăng 17 bậc giai đoạn 2016 – 2019… Hay kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về cảm nhận của DN đối với Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, khi tỷ lệ DN phản hồi gặp khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm xuống còn 34% (năm 2019) so với tỷ lệ 42% năm 2018…

Mạnh Nguyễn (thực hiện)

Mạnh Nguyễn (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam