Hà Nội tiếp tục đổi mới, bứt phá vươn lên

10:00 | 31/03/2021 Print
(TBTCVN) - Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến đặt trên vai rất nhiều trọng trách to lớn. Sinh thời Bác Hồ đã từng nhắn nhủ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”. Đây là động lực và cũng là áp lực để Hà Nội luôn nỗ lực đổi mới, phát triển, khẳng định vị thế và tầm vóc của Thủ đô.

8

Infographic: T.L

Với những thành quả quan trọng đã đạt được, với tinh thần sáng tạo, bản lĩnh và ý chí quyết tâm đổi mới của đội ngũ lãnh đạo cấp cao khóa mới, tin rằng Hà Nội sẽ tiếp tục bứt phá, vững vàng tiến về phía trước.

Khẳng định vị thế Thủ đô

"Bước chuyển mình lớn lao chưa từng có" là đánh giá của nhiều lãnh đạo, chuyên gia và người dân về Thủ đô hôm nay. Thủ đô Hà Nội đang đổi thay, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Sự đổi thay ấy hiển hiện trên từng con đường, tuyến phố, khu đô thị, trên từng gương mặt rạng rỡ của người dân Thủ đô. Sự thay đổi, phát triển ấy còn thể hiện qua bản lĩnh, ý chí vươn lên của Hà Nội trong khó khăn, thử thách.

Nhắc đến những thành tựu của Hà Nội không thể không nhắc đến thời điểm năm 2020 với rất nhiều khó khăn dồn dập. Trong bối cảnh thế giới, trong nước đầy rẫy khó khăn, đặc biệt là thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng Hà Nội vẫn bứt phá vươn lên, thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước.

Trong năm qua, Thành phố đã triển khai nhiều quyết sách duy trì và phục hồi phát triển kinh tế rất táo bạo. Năm qua, trong phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi dịch vụ, thương mại, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các quận khu vực nội thành. Nhưng bằng tinh thần “góp gió thành bão”, “ngoại thành chi viện cho nội thành”, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát Covid-19, tăng trưởng của Hà Nội năm 2020 tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,4 lần bình quân cả nước. Hoàn thành kế hoạch giải quyết việc làm mới cho gần 160.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn bình quân chung cả nước, chỉ ở mức 2,3%. Thu ngân sách vượt dự toán hơn 2%, đạt gần 285.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2019. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế thành phố quản lý thì tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt trên 340.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn thu nội địa bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chiếm 93% thu ngân sách… Hơn nữa, nhờ làm tốt việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, chỉ trong năm 2020, Hà Nội tiết kiệm chi thường xuyên được hơn 3.000 tỷ đồng, dành tất cả để chi cho an sinh xã hội, phòng, chống dịch và đầu tư phát triển.

Những kết quả tích cực của năm 2020 đã góp phần vào việc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chung của cả nhiệm kỳ 2015 - 2020, như thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu về đích sớm 2 năm.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thực tiễn sinh động của Thành phố trong năm vừa qua cho thấy bài học kinh nghiệm quý báu là: Dù khó khăn đến mấy, nhưng với ý chí kiên định, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp, với sự đồng thuận của nhân dân cùng sự vào cuộc đồng bộ mạnh mẽ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã vượt qua, tạo nên những tiền đề thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu.

Làm cho Thủ đô bình yên, tươi đẹp,mạnh khỏe

Nhắc đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Khi nói về Đảng bộ Hà Nội, Bác nói ngắn gọn: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”. Chỉ hai từ “gương mẫu”, nhưng đó đã và sẽ luôn là thách thức rất lớn đối với Đảng bộ thành phố.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP bình quân đầu người đạt từ 8.300 - 8.500 USD. Xa hơn, phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 USD - 13.000 USD.

Đây là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi quyết tâm rất cao trong thực hiện, đòi hỏi cách làm mới, sáng tạo. Vì vậy, trong trước mắt, thành phố xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và chọn 3 khâu đột phá về kết cấu hạ tầng; thể chế, cơ chế, chính sách; văn hóa và nguồn nhân lực. Quyết tâm chính trị, những đường hướng phấn đấu đưa Hà Nội phát triển trong thời gian tới đã có. Ví như thành phố sẽ ban hành các nghị quyết riêng về phát triển du lịch; những đề án riêng về chỉnh trang đô thị, hiện đại hóa, phát triển kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm, mô hình kinh tế chia sẻ. Hà Nội đang mong muốn trở thành trung tâm hàng đầu của ASEAN về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, cũng như trở thành trung tâm hàng đầu về thương mại...

Để thực hiện được điều đó là không hề dễ dàng. Bởi còn rất nhiều khó khăn mà Hà Nội phải đối mặt như không ít vấn đề phức tạp, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển còn chưa được giải quyết căn cơ. Năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ đô luôn phải đối mặt với các nguy cơ cao nhất trong lây nhiễm Covid-19. Nhu cầu phát triển lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế. Chỉ số SIPAS và PAPI tuy có cải thiện nhưng còn ở mức thấp...

Bước vào giai đoạn phát triển mới, người dân Hà Nội đang đặt nhiều kỳ vọng, tin tưởng vào những bứt phá, đổi mới của thành phố, để Thủ đô tiếp tục vững vàng tiến về phía trước trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Với khí thế và niềm tin của một nhiệm kỳ mới, với tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm đổi mới của ban lãnh đạo khóa mới, tin rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố đã đề ra, để Thủ đô ngàn năm văn hiến phát triển mạnh mẽ, xứng tầm khu vực và thế giới.

Sức hút Hà Nội không thể trộn lẫn

Hà Nội ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD trong năm 2020...

Sở dĩ Hà Nội có những cú bứt phá ngoạn mục thời gian gần đây đó là nhờ tập thể lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã nhìn ra được những mục tiêu ưu tiên cho phát triển. Cải cách hành chính luôn được lãnh đạo Hà Nội đặc biệt lưu tâm. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - năm thứ 2 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Cải cách hành chính - năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Nhìn ra thế giới, mới thấy rằng, không có nhiều thành phố có lịch sử nghìn năm tuổi như Hà Nội. Song, sức hút của từ khóa “Hà Nội” thì không thể trộn lẫn. Hà Nội linh thiêng, hào hoa, nhưng cũng rất đỗi bình dị, vẫn giữ lại được hồn cốt của “hào khí nghìn năm Thăng Long”. Hà Nội vừa “nhanh”, cũng vừa “chậm”. Phía sau sự phát triển đến chóng mặt thì vẫn còn những con ngõ nhỏ, phố nhỏ, những quán cà phê vỉa hè hay các món ăn dân dã, làm lưu luyến bước chân du khách gần xa.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam